Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng với giáo viên vi phạm

Một số địa phương chưa bố trí đủ số lượng giáo viên/lớp gây ra quá tải công việc cho một số giáo viên; việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên còn có hiện tượng dễ dãi, tràn lan, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn/chuẩn nghề nghiệp...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Sáng nay, 6-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trước thềm phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có báo cáo gửi đến các ĐBQH về các vấn đề “nóng" mà ĐBQH quan tâm. Trong đó có vấn đề chất lượng giáo dục đại học, đổi mới giáo dục mầm non, quản lý mầm non ngoài công lập. Đặc biệt, báo cáo đề cập sâu đến các giải pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Nhiều giáo viên quản lý, áp đặt học sinh theo phương pháp “quyền uy”

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, HS-SV nói riêng được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục ngày càng tốt hơn. Phần lớn học sinh, sinh viên là những công dân có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; gương mẫu, tích cực học tập rèn luyện và tu dưỡng bản thân; có tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động tập thể; luôn đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc..

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ HS-SV có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất, đạo đức, lối sống như: thiếu trung thực, trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường; vô lễ với cha mẹ, xúc phạm thầy, cô giáo và người lớn tuổi...

Đặc biệt, gần đây đã xảy ra một số hiện tượng làm cho xã hội lo ngại, như học sinh vi phạm pháp luật, đánh nhau; ứng xử thiếu văn hóa; học sinh mất phương hướng, kỹ năng sống hạn chế dẫn đến tự tử do sức ép thành tích học tập từ gia đình.

Bên cạnh đó, đã xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.

Trong số nguyên nhân về mặt xã hội mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn ra, có nhấn mạnh đến sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội sử dụng và khai thác internet, mạng xã hội, trong đó có tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ về văn hoá phẩm độc hại.

Nhiều bậc phụ huynh phó thác con em cho nhà trường, làm cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo; cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em.

Còn nguyên nhân từ phía ngành giáo dục, Bộ trưởng  Bộ GD-ĐT thừa nhận Chương trình đào tạo giáo viên, trong đó nội dung về đào tạo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên chưa thực sự được chú trọng.

Giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh. Còn quản lý, áp đặt học sinh theo phương pháp “quyền uy”, cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc.

Ngoài ra, do một số địa phương chưa bố trí đủ số lượng giáo viên/lớp gây ra quá tải công việc cho một số giáo viên; việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên còn có hiện tượng dễ dãi, tràn lan, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn/chuẩn nghề nghiệp, trong đó có tiêu chuẩn về đạo đức; trách nhiệm quản lý các trường học của phòng giáo dục và đào tạo bị “nhẹ đi”; việc xử phạt những hành vi nêu trên chưa đủ mạnh để răn đe.

Đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét xây dựng Luật Nhà giáo

Nêu giải pháp  khắc phục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay ngoài các chương trình, đề án đã triển khai, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học, xây dựng bộ khung quy tắc ứng xử trong trường phổ thông để thực hiện từ năm học 2018-2019. Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức, quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ có nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên hiện đại, phong phú, phù hợp với đặc điểm tâm lý và nhu cầu của đối tượng người học; giảm bớt giáo dục lý thuyết, giáo điều; tăng cường giáo dục qua hoạt động trải nghiệm (về cảm xúc và hành vi, thái độ...) và gắn liền với những vấn đề thực tiễn mà chính người học đang gặp phải để tự họ được hình thành kỹ năng sống, niềm tin, thái độ và giá trị sống…

Rà soát, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp; rà soát, hướng dẫn nội dung bồi dưỡng thường xuyên, chú trọng bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm.

Bộ cũng chỉ đạo các địa phương xây dựng trường học văn hóa, an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả; “nhà trường mở” - là đầu mối, phối hợp chặt chẽ, khai thác thế mạnh của các lực lượng (gia đình, cộng đồng, xã hội) với sự phân công, phân trách nhiệm rõ ràng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra và đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các hành vi, vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo; đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động đối với những giáo viên vi phạm.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét xây dựng Luật Nhà giáo để quy định cụ thể điều chỉnh các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo cũng như các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo; các cơ quan chức năng cần bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo theo quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục