Bố trí lại chức năng đô thị ở nhiều khu vực

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang rà soát và lấy ý kiến của các địa phương, chuyên gia để thực hiện công tác điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM. 
Dân cư quận Bình Thạnh bên đường Nguyễn Hữu Cảnh Ảnh: CAO THĂNG
Dân cư quận Bình Thạnh bên đường Nguyễn Hữu Cảnh Ảnh: CAO THĂNG
Đây sẽ là lần điều chỉnh cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững của TPHCM trong nhiều thập kỷ tới, bởi hàng loạt yêu cầu mới như thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh, sáng tạo, liên kết vùng mạnh mẽ hơn… sẽ được đưa vào quy hoạch. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Xem xét những nội dung cần thiết nhất

° Phóng viên: Thưa ông, tại sao phải điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM?

° Ông Nguyễn Thanh Nhã: Trước hết, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, đến hạn định 5 năm phải rà soát, đánh giá lại việc thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng để điều chỉnh cho phù hợp. Sau nữa, thực tế phát triển đô thị TPHCM có nhiều biến động, cần sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời vào đồ án quy hoạch. Ví dụ, dân số tăng quá nhanh, hiện đã hơn 10 triệu người, bằng với dân số dự tính đến năm 2020; kinh tế TPHCM tăng trưởng nóng nhưng dự báo trước đây không theo kịp, dẫn đến quá tải về hạ tầng. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất rõ ở thành phố nên cần được đưa vào xem xét, đánh giá trong đồ án quy hoạch. Ngoài ra, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM vừa được phê duyệt nên là thành viên trong vùng, đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp.   

° Vậy những nội dung nào sẽ được xem xét, bổ sung, điều chỉnh trong đợt rà soát, điều chỉnh quy hoạch lần này?

° Tất cả vấn đề cũng như các bất cập của TPHCM đều được ghi nhận, xem xét trong đợt rà soát, điều chỉnh quy hoạch lần này. Tuy nhiên, do không thể đồng thời giải quyết, thực hiện được tất cả nội dung quy hoạch nên chỉ đưa vào một số nội dung cần thiết nhất mà thành phố có khả năng giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể, sẽ bố trí lại chức năng đô thị ở nhiều khu vực. Khu vực có nền đất thấp, địa chất yếu… sẽ điều chỉnh lại việc phát triển đô thị. Động thái này vừa giải quyết bài toán kinh tế phát triển đô thị vừa giúp thành phố thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, để qua đó chống ngập hiệu quả hơn. Ngoài ra, cũng phân bổ lại chức năng đô thị ở một số khu vực.
Nơi nào có chức năng ở, chức năng sản xuất, kinh doanh… sẽ được nghiên cứu bố trí hợp lý hơn. Chưa hết, sẽ tiếp tục hình thành các đô thị vệ tinh với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để giảm sức ép về dân số, về giao thông cho khu vực nội thành hiện hữu. Thực hiện chủ trương hình thành các trung tâm sáng tạo, đô thị thông minh… của Thành ủy và UBND TPHCM, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM lần này sẽ xác định một số khu vực phát triển mới phục vụ cho việc hình thành các đô thị sáng tạo, đô thị thông minh… 

Xây dựng kế hoạch quy hoạch dài hơi


° Theo nhiều chuyên gia về quy hoạch, một thời gian dài, TPHCM đã phát triển đô thị như “vết dầu loang” và hậu quả là đâu đâu cũng thấy công trình xây dựng, nhiều kênh rạch đã bị san lấp hoặc lấn chiếm. Trong bối cảnh đó, để điều chỉnh như ông nói, hẳn có dễ thực hiện?

° Như đã trao đổi ở trên, việc thực thi quy hoạch sẽ được tính toán cặn kẽ trên cơ sở cân đối được nguồn lực thực hiện. Sau phê duyệt quy hoạch, việc kế tiếp mà nhiều ngành chức năng trong đó có Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải làm là xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Kế hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm… và những kế hoạch mang tầm nhìn dài hơi hơn như 30 năm, 50 năm… Vẫn biết, có nhiều bất cập trong phát triển đô thị ở TPHCM mà hậu quả rõ ràng nhất là tình trạng ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… đang diễn biến phức tạp, nhưng nếu quyết tâm và có kế hoạch điều chỉnh lại những bất cập một cách cụ thể, bài bản, tôi cho rằng TPHCM sẽ giải quyết được những khó khăn ấy.

° Việc liên kết vùng TPHCM không chỉ được xác định trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng TPHCM mà còn được xác định trong chủ trương, kế hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (cũng là vùng TPHCM) từ nhiều năm nay, nhưng theo nhiều chuyên gia, thời gian qua, chưa được thực hiện nghiêm. Vậy trong lần điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM lần này, nội dung liên kết vùng có được đưa vào?

° Liên kết với các địa phương trong vùng TPHCM là một trong những hướng quan trọng giúp TPHCM giải quyết các vấn đề liên quan đến cấu trúc đô thị, bài toán quá tải dân số và hạ tầng kỹ thuật. Ở chiều ngược lại, liên kết với TPHCM cũng sẽ giúp các địa phương có cơ hội phát triển tốt hơn.
Trên tinh thần đó, trong công tác xem xét, điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM lần này, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, quận, huyện của TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ lập các đoàn nghiên cứu đến các tỉnh, thành trong vùng để tham khảo ý kiến đóng góp của họ về quy hoạch. Tinh thần, TPHCM cùng các địa phương trong vùng cùng bàn bạc để cùng tìm ra hướng phát triển cho cả vùng theo hướng hiệu quả và bền vững nhất. Ví dụ, các địa phương sẽ cùng nhau đầu tư hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Qua đó, TPHCM bố trí các chức năng đô thị hợp lý hơn, giải quyết được tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông; còn các địa phương có điều kiện hình thành thêm các khu đô thị mới, khu vực sản xuất tập trung… 

Tin cùng chuyên mục