Bộ GTVT lấy ý kiến quy hoạch cảng Trần Đề với vốn đầu tư trên 40.000 tỷ đồng

Theo đó, cảng Trần Đề được quy hoạch với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng, thuộc loại cảng IA, nguồn vốn thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Sáng ngày 12-12, tại Sóc Trăng, Bộ Giao thông Vân tải tổ chức Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, cùng lãnh đạo 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, ĐBSCL có 4 phương thức vận tải chính (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không) với tổng lượng hàng hóa đạt 131,7 triệu tấn năm 2017, tăng trung bình 6,2%/năm. Trong đó, vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm đến 70%, đường bộ chiếm 30%.

Mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL hiện có 6 tuyến trục dọc và 9 tuyến trục ngang. Tuy nhiên, các trục dọc vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh gồm: cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, đường N2 đoạn Đức Hòa – Mỹ An – Cao Lãnh, đường N1, QL60 đoạn cầu Rạch Miễu – Cổ Chiên, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2. Bên cạnh đó, các tuyến trục ngang kết nối các tỉnh hiện vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện như: cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự, QL1A đoạn Năm Căn – Đất Mũi,...

Về đường thủy, hiện toàn vùng có 57 cảng thủy nội địa, 3.988 bến thủy nội địa và 1.404 cảng, bến. Trong đó, có 1.404 cảng có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm, 171 cảng xếp dỡ từ 10.000 – 100.000 tấn/năm, chỉ có 151 cảng bến có công suất trên 100.000 tấn/năm. Nhìn chung hệ thống cảng, bến thủy nội địa có quy mô nhỏ, lẻ, manh mún và phân tán.

Theo đó, các tỉnh ĐBSCL kiến nghị Bộ GTVT tải tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối các trung tâm tỉnh, thành trong vùng. Cụ thể, các tuyến đường như: QL54 đoạn qua Vĩnh Long, QL91 đoạn còn lại của TP Cần Thơ, nâng cấp mở rộng QL60, QL53... Đặc biệt, sớm hoàn thành và hoàn thành đúng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của vùng như: cầu Vàm Cống, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mong muốn các địa phương chia sẻ về tình hình khó khăn chung trong việc phân bổ ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, Bộ sẽ ưu tiên triển khai đầu tư các tuyến trọng điểm, trong đó cầu Vàm Cống sẽ được thông xe vào giữa năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Bộ GTVT đã trình nghiên cứu quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề để lấy ý kiến của các địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Theo đó, cảng Trần Đề được quy hoạch với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng, thuộc loại cảng IA, nguồn vốn thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Cảng được đề xuất tại 2 vị trí (nằm trên địa bàn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), vị trí thứ nhất tại cửa biển Trần Đề, vị trí thứ 2 nằm tại của biển Mỹ Thanh.

Cảng có tổng diện tích khoảng 5.750ha, với Khu dịch vụ, hậu cần, logistics 4.000ha, cầu vượt biển từ 10km đến 16km kết nối với Khu cảng (1.000ha đến 1.750ha). Theo thiết kế quy hoạch, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu đến cảng từ 50.000DWT đến 160.000DWT.

Qua nghiên cứu tài liệu báo cáo quy hoạch, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với đề xuất cần có một cảng nước sâu chung cho cả vùng ĐBSCL. Đây cũng là cửa ngõ phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của cả khu vực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi tiếp thu, lấy ý kiến của các địa phương, Bộ và các đơn vị có liên quan sẽ tiến hành hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch cảng Trần Đề để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào cuối năm nay.

Tin cùng chuyên mục