Bộ GD-ĐT nói gì trước kết luận độc quyền sách giáo khoa? ​

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín... Trước kết quả khảo sát này, Bộ GD-ĐT nói gì?
Những vấn đề liên quan SGK nóng suốt thời gian qua
Những vấn đề liên quan SGK nóng suốt thời gian qua

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa sơ bộ thông tin về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017.

Thông tin do Ủy ban đưa ra cho thấy, số lượng SGK phổ thông đã in, phát hành giai đoạn 2012-2017 khoảng trên 100 triệu bản/năm và chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN (mô hình trường học mới) và tài liệu Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.

Đáng chú ý, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, nhiều năm qua, ngoài bộ SGK phổ thông 2000 (từ lớp 1 đến lớp 12) do Bộ GD-ĐT biên soạn, xuất bản, in, phát hành, còn một số sách thực nghiệm, tài liệu thí điểm cũng do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) xuất bản, in, phát hành, đang được sử dụng tại nhiều trường phổ thông trên cả nước, trong đó có bộ sách VNEN và tài liệu TV1-CNGD.

Giá bán 1 bộ sách VNEN cao gấp 4 lần giá 1 bộ SGK phổ thông đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5,6 và 7. Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn nên học sinh học sách VNEN ngoài việc phải chi số tiền rất cao cho bộ sách hướng dẫn học, còn phải chi thêm tiền mua các môn còn thiếu SGK phổ thông.

Tuy là sách thí điểm, nhưng hàng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và sách TV1- CNGD tăng đột biến: năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu TV1-CNGD khoảng 5 triệu bản, tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là 10 triệu bản, tăng gấp 5 lần so với năm 2014.

Doanh thu từ sách VNEN năm 2017 nếu tính theo sản lượng phát hành và giá bán, đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm, tương đương 1/3 doanh thu từ SGK phổ thông.

Sách VNEN và sách TV1-CNGD được NXB GDVN chỉnh sửa, thay hàng năm, không sử dụng lại, gây lãng phí.

Trong khi đó, việc tổ chức thí điểm/thực nghiệm bộ sách VNEN và TV1-CNGD trong nhà trường phổ thông thời gian qua cũng đang gây ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.

Tất nhiên, cả SGK phổ thông, sách VNEN và TV1-CNGD đều cùng do NXB GDVN xuất bản, in và phát hành. Nhưng khác với SGK phổ thông, sách VNEN vài TV1-CNGD trong giai đoạn 2012-2017 không được bán trên thị trường mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của NXB GDVN thông qua Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, phòng GD-ĐT các quận/huyện/thị xã, các trường tiểu học, THCS, trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hàng năm.

Từ kết quả khảo sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK.
Đáng chú ý, mức chi chiết khấu phát hành SGK phổ thông khoảng 250 tỷ đồng/năm (tương đương với 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là mức khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh.

Trước kết quả khảo sát này, Bộ GD-ĐT nói gì?

Bộ GD-ĐT cho rằng, từ năm học 2002-2003 đến nay, việc in SGK do NXB GDVN thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực.

Bộ GD-ĐT phân trần: sách in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải "chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương" như dư luận phản ánh. Dù đã làm vậy để giảm chi phí thì NXB GDVN mỗi năm vẫn lỗ khoảng 40 tỷ đồng/năm trong in ấn, phát hành SGK. Giá SGK không đổi từ năm 2011 đến nay. Việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.

Bộ GD-ĐT cũng cho hay, tiếp thu ý kiến xã hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tới đây, khi thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới, bộ yêu cầu NXB GDVN đề xuất  phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập; bảo đảm SGK có chất lượng tốt, được sử dụng nhiều lần, tránh gây lãng phí. SGK theo chương trình mới do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức biên soạn sẽ bảo đảm khắc phục triệt để những hạn chế hiện nay mà vừa qua dư luận bức xúc. 

Đối với sách VNEN, Bộ GD-ĐT cho hay, Dự án VNEN triển khai từ 2012 và đã tổng kết vào tháng 5-2016. Sách hướng dẫn học theo mô hình VNEN được biên soạn theo chương trình GDPT hiện hành, học sinh sử dụng sách hướng dẫn học theo mô hình VNEN thay cho SGK, trừ các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục chỉ biên soạn sách "hoạt động giáo dục" dành cho giáo viên để tổ chức hoạt động học cho học sinh. Đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, học sinh vẫn sử dụng SGK hiện hành. Các bài học trong sách hướng dẫn học theo mô hình VNEN được thiết kế thành các hoạt động học để giáo viên hướng dẫn học sinh tự lực nghiên cứu và vận dụng kiến thức, dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh thực hành, báo cáo, thảo luận, phát triển năng lực. Do vậy, sách hướng dẫn học có số trang nhiều hơn SGK thông thường, được in 4 màu, khổ sách 19x27cm, chủng loại giấy in tốt hơn… (SGK thông thường khổ sách 17x24cm), vì vậy có giá cao hơn SGK thông thường khoảng 1,5-1,6 lần. 

Còn với tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD-ĐT cho hay, bộ đồng ý cho địa phương áp dụng thí điểm trên tinh thần tự nguyện sử dụng. 

Tin cùng chuyên mục