Bộ GD-ĐT có cấm dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa? ​

Thông tin "tuyệt đối cấm việc dạy những nội dung ngoài SGK" trong báo cáo của của Bộ GD-ĐT đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Chiều 17-10, Bộ đã phản hồi vấn đề này như thế nào?
 

Như tin đã đưa, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới. Theo đó, việc áp dụng chương trình, SGK mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT.

Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, cho phép lùi tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình SGK mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học là từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022.
Như vậy, nếu so với lộ trình được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội, việc áp dụng chương trình, SGK mới sẽ chậm lại 1 năm ở các lớp tiểu học, 2 năm ở các lớp THCS và 3 năm ở các lớp THPT.

Trong khi chương trình phổ thông mới được đề nghị lùi thời gian thực hiện, Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu "tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành. Điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu. Không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK".

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, căn cứ vào chương trình GDPT hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong SGK hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn. Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Cùng với đó, các Sở GD-ĐT phải tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học.

Chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

“Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành”, Bộ GD-ĐT nêu rõ.

Về đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, Bộ GD-ĐT nêu rõ, tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông tư số 30, Thông tư số 22 về đánh giá học sinh tiểu học. Như vậy, sẽ tiếp tục không chấm điểm học sinh mà thay bằng nhận xét, đánh giá. Nhà trường, tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn, thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS và THPT)…

Trước đó Bộ GD-ĐT cũng đã ra thông báo nêu rõ, phương thức tổ chức các môn thi, bài thi của Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới sẽ được giữ ổn định như năm 2017; nội dung thi năm 2018 nằm trong chương trình lớp 12 và lớp 11, năm 2019 bao gồm cả chương trình THPT.

Các trường và học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn này kết hợp với các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo và đề thi chính thức của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 làm tài liệu tham khảo để dạy học và ôn tập trong năm học 2017-2018. Bộ GD-ĐT có thể sẽ không có thêm đề thi minh hoạ mới.

Diễn đạt gây hiểu nhầm

Sau khi có hướng dẫn này, dư luận phản ứng về thông tin "tuyệt đối cấm việc dạy những nội dung ngoài SGK" của Bộ GD-ĐT. Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên có thể chủ động, sáng tạo dạy những kiến thức xã hội, ngoài SGK để làm giàu kiến thức cho học sinh.

Trước phản ứng này, ngày 17-10, Bộ GD-ĐT phát thông báo nêu rõ, do SGK cụ thể hóa mục tiêu của chương trình nên ý cuối cùng trong câu trên nhằm nhấn mạnh yêu cầu không dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành.

Bộ GD-ĐT có cấm dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa? ​ ảnh 1 Bộ GD-ĐT khẳng định không cấm dạy kiến thức ngoài sách giáo khoa (Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Gò Vấp, TPHCM)

Bộ cũng yêu cầu "bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu", nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với ngữ liệu trong SGK.

“Tuy nhiên việc diễn đạt như trên đã gây ra hiểu lầm là Bộ GD-ĐT chỉ cho phép giáo viên khai thác sử dụng SGK để dạy học. Điều này không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ”, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết.
Vẫn theo Bộ GD-ĐT, trong quá trình tập huấn triển khai thực hiện sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về việc này để các nhà trường, giáo viên, học sinh thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Tin cùng chuyên mục