Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống

Ngày 28-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc giao ban khối giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối GD-ĐT, đại diện một số hiệp hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc giao ban khối giáo dục, đào tạo chiều 28-2. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc giao ban khối giáo dục, đào tạo chiều 28-2. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho rằng Bộ GD-ĐT cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, bởi “lo về chương trình một thì lo về sách giáo khoa gấp mười”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT theo sát quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, cung cấp thông tin đầy đủ, trước hết cho các cơ quan, bộ, ngành để hình dung được bức tranh tổng thể về đổi mới giáo dục.

Qua đó, khẳng định sự đúng đắn của nghị quyết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Phó Thủ tướng nêu rõ: Bộ GD-ĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội giao. Tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành. Bên cạnh nội dung kiến thức trong chương trình, sách giáo khoa mới không thể thiếu nội dung dạy đạo đức, dạy làm người cho học sinh từ lời ăn, tiếng nói, câu chào đến hát quốc qua, tập thể dục, giữ vệ sinh chung.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong quá trình chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia cần “đặt hàng” chuyên gia về mọi tình huống có thể xảy ra. Đề thi mẫu cần chuẩn bị tốt. Với tuyển sinh, từ kinh nghiệm của các trường nghề, các trường đại học cần tiến tới phương án tuyển sinh nhiều lần trong năm.

Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT từ số liệu biên chế giáo viên ở từng trường, từng môn, từng cấp học, tiến tới dự báo về nhu cầu giáo viên trong những năm tới ở từng địa phương kết hợp với thống kê số sinh viên tại từng địa phương đang học sư phạm nhằm giải quyết căn bản câu chuyện biên chế giáo viên. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục quyết liệt thay đổi nếp quản trị, xây dựng đạo đức lối sống, văn hoá… trong trường học. 

Cùng ngày, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị các trường sư phạm triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông (GDPT) thực hiện chương trình GDPT mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), đối tượng bồi dưỡng đến năm 2021 theo 9 mô đun cho đội ngũ cốt cán là khoảng 800 giảng viên sư phạm; 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng cốt cán; 4.000 hiệu trưởng và 35.000 giáo viên phổ thông cốt cán.

Với đối tượng đại trà, đến năm 2021 sẽ bồi dưỡng khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở/phòng; khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu cần lựa chọn những giáo viên xuất sắc ở phổ thông cùng tham gia vào nhóm cốt cán của trường sư phạm để bồi dưỡng chung; nhóm các hiệu trưởng bao gồm cả cơ sở giáo dục công lập và tư thục.

Với nhóm giáo viên phổ thông, đối tượng giáo viên cốt cán được chọn không chỉ nắm vững về chuyên môn, kinh nghiệm mà phải là người tâm huyết đổi mới, nhiệt tình chia sẻ với đồng nghiệp.

Tin cùng chuyên mục