Bỏ chính sách miễn học phí ngành sư phạm: Được nhiều hơn mất

Chính sách miễn giảm học phí để thu hút thí sinh ngành sư phạm sau hơn 20 năm triển khai hiện đang đối diện nhiều khó khăn. Hàng năm, nhiều trường phải bù lỗ vào chi phí đào tạo vì ngân sách cấp bù học phí không đủ; khó thu hút người giỏi vì chính sách đầu ra chưa hợp lý; sinh viên ra trường không có việc làm, bỏ ngành, chuyển sang làm ngành khác… 

Các trường sư phạm khó khăn

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nêu thực tế: Trường có 12 ngành sư phạm kỹ thuật và 1 ngành sư phạm tiếng Anh. Trong 10 năm nay, sinh viên đăng ký vào 13 ngành sư phạm này đều được miễn học phí hoàn toàn. Tuy nhiên, mỗi năm chúng tôi chỉ được nhận 5 - 8 tỷ đồng tiền cấp bù học phí; trường phải bù lỗ bình quân khoảng 30 tỷ đồng để đào tạo. Việc cấp bù quá ít khiến các trường đào tạo sư phạm rất khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo cho “ra môn, ra khoai”.

Bỏ chính sách miễn học phí ngành sư phạm: Được nhiều hơn mất ảnh 1 Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ thực hành
PGS-TS Nguyễn Thám, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), cho hay: Việc cấp bù hiện ở mức tối thiểu theo Nghị định 86, đối với ngành khoa học tự nhiên là 8,7 triệu đồng/năm/sinh viên, ngành khoa học xã hội - nhân văn là 7,5 triệu đồng/năm/sinh viên. Thế nhưng, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) chỉ cấp bù cho các trường 80% - 90% vào đầu năm học, số còn lại chờ đến cuối năm. Thực tế các trường cũng khó lấy đủ 100% kinh phí cấp bù này.

Tương tự, Th.S Nguyễn Thị Yến Nam, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: Không năm nào trường nhận đủ kinh phí cấp bù cho sinh viên sư phạm. Để giải quyết vấn đề này, phải mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường, thu học phí và định mức học phí tương xứng chất lượng đào tạo sư phạm và quan trọng nhất là chính sách ưu đãi tín dụng kèm theo đảm bảo công việc đầu ra cho sinh viên ngành sư phạm.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng, cách đây hơn 20 năm, khi có chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là đòn bẩy khuyến khích học sinh khá, giỏi thi và theo học trong các trường sư phạm. Những năm đầu, các học sinh, nhất là học sinh vùng nông thôn chọn các trường sư phạm làm “bãi đáp” đã giải quyết được phần nào khó khăn về tài chính.

“Xã hội, phụ huynh, học sinh lo lắng về việc bỏ chính sách miễn học phí là một điều có thật. Ngay cả các trường sư phạm cũng lo lắng sẽ không tuyển được sinh viên. Tuy nhiên, chưa có một đánh giá đầy đủ nào cho thấy rằng sinh viên theo học các trường sư phạm chỉ vì được miễn học phí.
Trong khi đó, nếu chỉ làm cam kết sau khi ra trường sẽ công tác trong ngành giáo dục để được miễn học phí, sẽ không có tác dụng nếu các sở nội vụ không tuyển sinh viên sư phạm tốt nghiệp làm nghề dạy học.
Đó là chưa kể, việc thừa thiếu giáo viên trong nhiều năm qua có một phần nguyên nhân từ công tác tuyển sinh sư phạm và hình thức sinh viên sư phạm làm cam kết nói trên”.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng
Bên cạnh đó, chất lượng sinh viên sư phạm giai đoạn này tăng đáng kể. Tuy nhiên, khoảng gần chục năm trở lại đây, chính sách này đã dần bộc lộ những hạn chế, ít có tác động đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên nhiều như mong muốn của những người xây dựng chính sách.

Nêu rõ hơn các lý do cần bỏ chính sách miễn học phí ngành sư phạm, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng dẫn chứng: Giờ đây, ít người chọn nghề dạy học hơn, bởi nghề này không còn hấp dẫn; chính sách tuyển dụng, lương và các khoản phụ cấp hiện nay không giúp thầy cô giáo có cuộc sống đủ đầy, dù Nhà nước đã có nhiều ưu đãi cho giáo viên (phụ cấp ưu đãi, thâm niên); sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm không dễ dàng, dù nhiều cơ sở giáo dục kêu thiếu giáo viên.

Song song đó, tình trạng đào tạo chưa gắn với sử dụng đã gây ra những lãng phí cả về phía Nhà nước lẫn người học (Nhà nước thì tốn tiền đầu tư cho sinh viên sư phạm, người học thì mất thời gian học tập mà không được hành nghề).

Cần chính sách mới phù hợp

PGS-TS Nguyễn Khắc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, nêu quan điểm cần chính sách mới cho ngành sư phạm. Theo ông: Chúng ta cứ thu học phí bình thường như các ngành đào tạo khác để tạo sự công bằng cho người học. Sau đó, sẽ kèm theo chính sách cho vay. Nếu sinh viên ra trường phục vụ trong ngành giáo dục thì chúng ta sẽ có chính sách hỗ trợ khác.

Việc thu học phí đối với sinh viên sư phạm sẽ giúp các trường sư phạm và trường có đào tạo ngành sư phạm tháo gỡ nhiều khó khăn về chi phí đào tạo, đầu tư và nâng cao chất lượng. Chính sách mới cũng giúp người học suy nghĩ chín chắn hơn, có trách nhiệm hơn với việc lựa chọn ngành nghề của mình. Điều này sẽ hạn chế được việc bất cập hiện nay là học sư phạm xong ra trường bỏ đi làm nghề khác, gây lãng phí rất lớn.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích: Với các gia đình ở nông thôn, vấn đề họ lo lắng là việc làm sau khi ra trường chứ không phải học phí. Cả khóa học (4 năm), tính trung bình 1 sinh viên cần 150 triệu đồng để chi học phí và ăn ở. Khi ra trường, người học đi làm 10 triệu đồng/tháng, thì sau 1 năm đã “gỡ” lại chi phí trên.

Với 90% sinh viên ngành sư phạm kỹ thuật ra trường đã có việc làm ngay ở các công ty xí nghiệp, trường đang đề xuất Bộ GD-ĐT và Quốc hội thu học phí sinh viên sư phạm như các ngành học khác. Nếu sinh viên nào ra trường làm đúng ngành sư phạm, trường sẽ chuyển số học phí mà sinh viên đã nộp về Sở GD-ĐT. Từ số tiền này, sở sẽ chi trả thêm 3 - 4 triệu đồng/tháng cho các em. Cùng với lương họ nhận, số tiền “trả lại” này sẽ giúp các em ổn định cuộc sống trong những năm đầu đi làm.

Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Bỏ chính sách miễn học phí sẽ không là gánh nặng cho sinh viên nếu Nhà nước có những chính sách hỗ trợ đi kèm. Chính sách tín dụng sinh viên sư phạm là một cách làm hiệu quả. Điểm khác biệt cơ bản của tín dụng sinh viên so với miễn học phí là sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng nghề dạy học mà họ sẽ theo đuổi trong tương lai, họ phải chia sẻ rủi ro với Nhà nước nếu như sau này họ không làm việc trong các cơ sở giáo dục.

Tin cùng chuyên mục