Blockchain - công nghệ sẽ làm thay đổi thế giới

Blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty.
Diễn đàn Blockchain: xu hướng và tầm nhìn phát triển do Bộ KH-CN tổ chức, thu hút đông đảo doanh nghiệp, giới công nghệ tham dự. Ảnh: NGUYỄN TƯỜNG
Diễn đàn Blockchain: xu hướng và tầm nhìn phát triển do Bộ KH-CN tổ chức, thu hút đông đảo doanh nghiệp, giới công nghệ tham dự. Ảnh: NGUYỄN TƯỜNG
Gần đây, cụm từ blockchain được nhắc đến và xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều hội thảo về công nghệ blockchain và khả năng ứng dụng vào đời sống cũng đã được tổ chức, quy tụ đông đảo giới kinh doanh, công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt tham gia. 

Mới là sự khởi đầu

Sự kiện rầm rộ nhất gần đây phải kể đến sự kiện Ngày hội Blockchain Việt Nam (Blockchain Festival Vietnam) tổ chức tại TPHCM hồi cuối tháng 5-2018, quy tụ hơn 1.500 người tham dự. Sự kiện được đánh giá mang lại nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp blockchain với nguồn kiến thức về ngành công nghiệp chuỗi khối cùng mạng lưới kết nối hơn 30 diễn giả, đơn vị phát triển blockchain hiện nay. Mới hơn, ngày 19-6, tại Lào, Lina Group (Lina.review) - một startup Việt vinh dự được Chính phủ Lào ký hợp đồng về việc sử dụng nền tảng công nghệ của Lina Group trong nghiên cứu và triển khai Digital Identity using Blockchain (Định danh điện tử bằng blockchain). Công nghệ được cho là có thể xử lý và đem lại những tính năng ưu việc trong việc định danh điện tử như kiểm soát luồng dữ liệu cá nhân tuyệt đối, đảm bảo tính riêng, quản lý danh tính và thông tin xác thực thông qua trải nghiệm ví điện tử đơn giản…

Nếu như vào thời điểm năm 2015, những doanh nghiệp đề cập đến blockchain, bitcoin, cryptocurrency chỉ là con số nhỏ, thì đến năm 2016 trở đi, tỷ lệ này bắt đầu phát triển và kết quả là sự gia tăng trong năm 2017. Ở đây cần thấy, do sự ra  đời của công nghệ blockchain gắn liền với sự ra đời của đồng tiền ảo bitcoin, song đã có nhiều người nhầm lẫn khái niệm blockchain với bitcoin. Điểm qua các sự kiện blockchain được tổ chức tại Việt Nam gần đây cho thấy, các đơn vị tổ chức đều giới thiệu các giá trị mới của công nghệ chuỗi khối và thường hướng các mục tiêu vào tiền ảo. Nhưng blockchain với những đặc thù riêng, các chuyên gia cho rằng, công nghệ này mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông...
Các chuyên gia định nghĩa, blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty. Blockchain cho phép việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain tồn tại rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trước khả năng bị đánh cắp dữ liệu.
Ứng dụng nhiều ngành nghề Hiện nay cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nghiên cứu ban hành các chủ trương, xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển đầy tiềm năng của công nghệ blockchain. Chính phủ Thụy Điển và Honduras đã sử dụng công nghệ này để xử lý quyền sử dụng đất; Estonia sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ; quốc đảo Isle of Man cũng đang thử nghiệm việc sử dụng blockchain trong việc đăng ký công ty… Cùng với đó, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Oracle đã có những động thái tối ưu công nghệ này cho các ngành nghề như tài chính, giao thông.  Tại Việt Nam đã có hơn 20 startup liên quan đến blockchain, song chủ yếu ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, ví điện tử và gần như họ không mong muốn xuất hiện trước truyền thông. Còn theo báo cáo mới nhất từ TopDev (mạng tuyển dụng chuyên về Công nghệ thông tin) cho biết, tính đến tháng 12-2017, lượng tìm kiếm việc làm liên quan đến lĩnh vực tiền điện tử (cryptocurrency) - một ứng dụng của công nghệ blockchain tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Mức lương trung bình dành cho nhà phân tích nghiên cứu (Research Analyst) có trình độ chuyên môn về blockchain sẽ từ 30.117EUR mỗi năm (hơn 830 triệu đồng) và cho một kiến trúc sư phần mềm (Software Architect) sẽ là 67.209EUR mỗi năm (hơn 1,8 tỷ đồng). Điều đó cho thấy công nghệ blockchain đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam.  Các chuyên gia đánh giá, công nghệ blockchain đạt được sự tin cậy cao nhờ tính năng không thể thay đổi đối với thông tin, dữ liệu trong các khối lưu trữ. Hiện nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Morgan Stanley, Goldman Sachs, BNY Mellon, JP Morgan Chase, HSBC... đã và đang nghiên cứu áp dụng công nghệ này trong các hoạt động của mình và xu hướng này đang có chiều hướng gia tăng. Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam chưa có tổ chức ngân hàng - tài chính nào công bố công khai chính thức áp dụng công nghệ blockchain cho kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, một số ngân hàng đang có những nghiên cứu ban đầu đối với công nghệ này.  Trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, với công nghệ này, khi hàng hóa chuyển đến đâu thì tất cả những thành viên tham gia mạng blockchain đều có thể theo dõi tình trạng hàng hóa và biết cụ thể thời gian đến. Blockchain sẽ phục vụ hiệu quả cho việc truy xuất nguồn gốc để biết rõ các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu, sản xuất từ đâu. “Với blockchain, chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin theo phương thức hàng ngang trong chuỗi khối mà không cần bên thứ ba can thiệp vào vấn đề quản lý. Mọi thông tin chia sẻ từ người dùng sau khi được định danh điện tử bằng blockchain được xem như một hồ sơ công khai trên nền tảng kỹ thuật số”, Ông Vũ Trường Ca, CEO Lina Group, khẳng định.
Sớm có chính sách phát triển 

Với tiềm năng của công nghệ blockchain và không nằm ngoài xu thế của thế giới, Việt Nam cần theo dõi, khuyến khích để đưa ra chính sách pháp luật nhằm giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn. Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tại Diễn đàn Blockchain - xu hướng và tầm nhìn phát triển do Bộ KH-CN vừa tổ chức.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, trong số các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), blockchain (hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối) là một trong những công nghệ đột phá, được dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt CMCN 4.0 trong một vài thập kỷ tới, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, viễn thông, chính phủ điện tử. Do vậy, cần nhiều diễn đàn, sự kiện với mục tiêu kết nối trực tiếp các đơn vị phát triển ứng dụng công nghệ blockchain, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với các cơ quan quản lý để cùng nhau thảo luận, đưa ra được những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý dành cho công nghệ blockchain, tiền công nghệ số, tài sản số trong thời gian tới.

Tại diễn đàn chính thức đầu tiên về công nghệ blockchain này, các diễn giả đến từ nhiều quốc gia đã cùng thảo luận về thuận lợi, khó khăn trong quá trình ứng dụng blockchain vào đất nước của họ. Qua đó, tiềm năng phát triển cho blockchain tại Việt Nam trở nên rõ nét hơn. Tuy nhiên, các diễn giả nhận định blockchain vừa là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs, cho biết Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta cũng bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về công nghệ này. Theo ông Long, blockchain không phải là công nghệ mới mà chỉ tổng hợp những phát kiến trong lĩnh vực công nghệ dựa trên sự chia sẻ của cộng đồng. Để thay đổi và xóa dữ liệu, họ phải có sự đồng thuận của số đông. Blockchain đóng vai trò hỗ trợ hệ thống hạ tầng, minh bạch hóa thông tin. Song tại Việt Nam hiện nay khi truyền tải về công nghệ blockchain vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi người Việt vẫn còn nhầm tưởng các loại tiền mã hóa như Bitcoin là blockchain. Để phát triển blockchain tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận định nguồn nhân lực thông minh, cần cù là một thế mạnh lớn, vì vậy Việt Nam cần có những cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ về blockchain để bước đầu tạo ra hệ sinh thái cho công nghệ này. Bên cạnh đó, các nhà làm chính sách cũng cần có cơ chế cởi mở để thu hút vốn đầu tư.

Về vấn đề pháp lý, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT-TT), cho biết bộ này đã có kế hoạch rà soát lại luật về công nghệ thông tin và cần có cách tiếp cận tốt, phù hợp. “Chúng ta cần nhìn nhận trên thế giới, từ các tổ chức nghiên cứu uy tín, họ vẫn có những quan ngại nhất định về blockchain. Vì thế, chúng ta cần đánh giá sáng suốt, giảm bớt hạn chế, tránh tác động không tốt tới xã hội”, ông Đào Đình Khả nhận định. Trong khi đó, đại diện Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư Pháp) nêu ra 4 điểm để giải quyết khâu pháp lý: Phải khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên blockchain; Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng blockchain; cần tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên; các bộ ngành phải rà soát luật, loại bỏ các quy định hạn chế sự phát triển của blockchain.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ triển khai các công việc có liên quan nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bao gồm phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ blockchain; nghiên cứu chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ blockchain tại Việt Nam; hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain thông qua các chương trình KH-CN cấp quốc gia, như chương trình KH-CN về chính phủ điện tử, Chương trình KH-CN trọng điểm cấp quốc gia về CMCN 4.0 mà bộ đang hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Đặc biệt dành ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ blockchain thông qua đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục