Bình Thuận yêu cầu xử lý các đối tượng mạo danh nhà báo

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra tình trạng một số người tự xưng là phóng viên, nhà báo đến các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp tác nghiệp nhưng có hành vi gợi ý, đặt điều kiện phải chi kinh phí để viết bài tốt về cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ngày 2-3, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, UBND tỉnh này vừa có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan trong tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý các đối tượng mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí trái pháp luật.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Công an tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng một số người tự xưng là phóng viên, nhà báo đến các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp tác nghiệp nhưng có hành vi gợi ý, đặt điều kiện phải chi kinh phí để viết bài, đăng thông tin tốt về cơ quan, đơn vị, địa phương... Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, làm mất uy tín đối với các cơ quan báo chí nói chung cũng như đội ngũ phóng viên, nhà báo chân chính đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Để có biện pháp quản lý, xử lý các đối tượng mạo danh nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí trái pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu công an tỉnh, Sở TT-TT phối hợp, có biện pháp theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của số đối tượng mạo danh nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí trái pháp luật; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng và công an cấp huyện tiếp tục theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các đối tượng có dấu hiệu giả mạo phóng viên, nhà báo để hoạt động báo chí trái pháp luật; kịp thời thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm, củng cố hồ sơ để làm cơ sở xử lý thật nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người đến liên hệ công tác tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh không có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu thì từ chối tiếp, làm việc; trường hợp có nghi vấn mạo danh phóng viên, nhà báo thì phải kịp thời phản ánh đến cơ quan công an cùng cấp, Sở TT-TT để xử lý theo quy định.

Trước đó,  theo tìm hiểu, tại nhiều địa phương ở tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là ở huyện Tánh Linh xuất hiện hàng loạt người tự xưng là phóng viên, nhà báo đến các cơ sở, doanh nghiệp (chủ yếu là các cơ sở, doanh khiệp khai thác khoáng sản) để liên hệ “làm việc”.

Tại các buổi “làm việc” này, những người tự xưng là phóng viên, nhà báo không xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cung cấp, hoặc có giấy giới thiệu nhưng nội dung không rõ ràng. Trong  các cuộc “làm việc”, các đối tượng này có hành vi gợi ý, yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền. 

Tin cùng chuyên mục