Biệt hóa thành công tế bào gốc từ tủy răng: Cột mốc mới

“Sống rồi các em ơi, tôi hét lớn giữa phòng thí nghiệm, trong tiếng vỗ tay vui mừng của các cộng sự” - TS Trần Lê Bảo Hà (Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, ĐH KHTN TPHCM) nhớ lại thành công bước đầu của đề tài cách đây đã gần 6 năm. Khi ấy, tế bào gốc của chiếc răng chuột đã bắt đầu phát triển trên khay nuôi. 6 năm sau, lần đầu tiên, chị và các cộng sự, cùng với sự hỗ trợ của các cơ sở y tế, đã phân lập và nuôi cấy thành công tế bào gốc tủy răng người, mở ra cơ hội phục hồi những chiếc răng bệnh cho người Việt Nam.
Biệt hóa thành công tế bào gốc từ tủy răng: Cột mốc mới

“Sống rồi các em ơi, tôi hét lớn giữa phòng thí nghiệm, trong tiếng vỗ tay vui mừng của các cộng sự” - TS Trần Lê Bảo Hà (Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, ĐH KHTN TPHCM) nhớ lại thành công bước đầu của đề tài cách đây đã gần 6 năm. Khi ấy, tế bào gốc của chiếc răng chuột đã bắt đầu phát triển trên khay nuôi. 6 năm sau, lần đầu tiên, chị và các cộng sự, cùng với sự hỗ trợ của các cơ sở y tế, đã phân lập và nuôi cấy thành công tế bào gốc tủy răng người, mở ra cơ hội phục hồi những chiếc răng bệnh cho người Việt Nam.

Biệt hóa thành công tế bào gốc từ tủy răng: Cột mốc mới ảnh 1

TS Trần Lê Bảo Hà (giữa) cùng các đồng sự trong nhóm nghiên cứu

10 năm miệt mài

Theo TS Bảo Hà, công trình nghiên cứu dài 10 năm của chị và các cộng sự không phải là mới so với thế giới. Từ năm 2000, các nhà khoa học ở Mỹ và Úc đã khám phá trong tủy răng sữa bị rụng của trẻ em có những tế bào gốc có khả năng biệt hóa (chuyển thành nhiều loại tế bào khác của cơ thể như mong muốn). Chỉ thời gian ngắn sau đó, họ đã biệt hóa thành công tế bào gốc từ tủy răng của cả động vật và con người. Tuy nhiên, nhóm của chị đã cải tiến một số phương pháp cho phù hợp với điều kiện nghiên cứu. Sự thành công của công trình nghiên cứu này đánh dấu cột mốc đầu tiên cho quá trình nghiên cứu tế bào gốc trên tủy răng ở nước ta, đưa Việt Nam đứng vào hàng ngũ những nước nghiên cứu về lĩnh vực này.

Sự thành công trong khoa học luôn gắn liền với gian khổ, hy sinh. TS Bảo Hà và các cộng sự luôn hiểu rõ điều này. Đề tài của nhóm được khởi động từ năm 2002 và bước đầu thử nghiệm trên răng chuột, bởi đặc điểm sinh lý và di truyền học của chuột rất gần với con người. Nhưng việc lấy tủy trên răng chuột thực tế không hề dễ dàng. TS Bảo Hà giải thích: “Răng chuột đã nhỏ, tủy răng chuột càng nhỏ hơn, việc tách răng lấy tủy gặp nhiều khó khăn. Nhóm nghiên cứu thực hiện việc tách răng lấy tủy phải tốn khá nhiều thời gian, lại phải cẩn thận từng chút một, bất kỳ sự lơ đễnh nào cũng dẫn đến hỏng tế bào trong tủy hoặc tủy bị nhiễm khuẩn là phải làm lại từ đầu”.

Mất 4 năm để nuôi cấy thành công tế bào gốc trên răng chuột, nhóm nghĩ ngay đến việc nghiên cứu trên răng người. Nhưng ở nước ta, chưa có ngân hàng răng, muốn có răng phải hợp tác với các bệnh viện hoặc phòng khám nha khoa… nhưng không phải lúc nào cũng có. “Nhiều lúc, các thành viên trong nhóm mang sẵn dung dịch bảo quản răng, đóng vai “lính canh”, túc trực 5-6 tiếng mỗi ngày tại các cơ sở y tế để chờ… lấy răng. Đôi khi chúng tôi về tay không, may mắn có được vài cái răng thì chưa chắc sử dụng được vì răng rất dễ nhiễm khuẩn, phải bỏ đi. Mất 6 tháng, chúng tôi mới vô trùng được răng” - TS Bảo Hà kể. Có được răng, nhóm tiến hành lấy tủy, tạo khung đỡ để nuôi cấy tế bào. Công việc nuôi cấy tế bào được thực hiện trong một khung nâng đỡ có lỗ xốp nhằm tạo ra cấu trúc có kích thước và hình dạng mong muốn. Trong quá trình nuôi cấy, nhóm nghiên cứu phải tạo môi trường sống thuận lợi và liên tục điều chỉnh mới tăng sinh được tế bào.

Cơ hội tái tạo răng thật

Hiện nay, tỷ lệ bệnh liên quan đến vấn đề răng miệng ngày một gia tăng. Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ người mắc bệnh răng miệng cao nhất thế giới. Theo thống kê, nước ta có trên 90% dân số bị các bệnh răng - miệng, đặc biệt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Lứa tuổi 18-34 bị sâu răng chiếm đến 75%; riêng học sinh tiểu học mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng khoảng 80%-90%, ở học sinh trên tiểu học, tỷ lệ này chiếm tới 60%-70%.

Những con số trên chứng tỏ nhu cầu chữa bệnh về răng miệng là rất cao và cấp thiết. Vì vậy, với kỹ nghệ tái tạo răng bằng phương pháp ghép tế bào tự thân, cơ hội tái tạo răng của người Việt với giá rẻ là hoàn toàn khả thi. “Kỹ nghệ tái tạo răng là hoàn toàn mới tại Việt Nam nhưng khả năng ứng dụng là rất cao. Cụ thể, nếu một người có chiếc răng bệnh thì khi điều trị, người ta sẽ rút hết tủy răng, chiếc răng khi ấy vẫn còn nhưng xem như đã chết rồi và sẽ xỉn màu. Với kỹ nghệ mới này, chúng ta cấy tế bào tủy (lấy từ nguồn răng của chính họ) vào răng hỏng. Sau đó, chiếc răng này sẽ sống lại với màu sắc tươi sáng nguyên thủy” - TS Bảo Hà lý giải. Nói về bước nghiên cứu tiếp theo của nhóm, TS Hà cho biết kỹ nghệ mới dừng lại ở việc ghép tự thân (ghép tế bào của chính cơ thể người bệnh), bước tiếp theo của đề tài là tạo mầm răng rồi cấy ghép trở lại lên người.

Nghiên cứu tế bào gốc tại Việt Nam tuy mới diễn ra trong khoảng vài năm nay và đã thu được những thành công bước đầu. Phân lập và nuôi cấy thành công tế bào gốc từ tủy răng không chỉ tạo đà cho ngành nghiên cứu tế bào gốc của Việt Nam phát triển ngang bằng với thế giới, mà còn đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng những công nghệ mới và hiện đại, mang tính hiệu quả ngày càng cao.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục