Biên kịch Đinh Tiến Dũng: Táo quân bảo mật thông tin để tăng hấp dẫn

Năm nào cũng vậy, thông tin về chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV hay còn được gọi là Táo quân luôn được săn lùng ráo riết từ nhiều ngày trước khi các nghệ sĩ diễn chính thức ghi hình. 
Song có một điều lạ là ê kíp thực hiện chương trình lên tới gần cả trăm người nhưng ngoài những thông tin ngoài lề thì nội dung của Táo quân chưa bao giờ bị lộ. Biên kịch Đinh Tiến Dũng, người đã có 11 năm gắn bó với chương trình ăn khách này đã có những chia sẻ với PV Báo SGGP.
Biên kịch Đinh Tiến Dũng: Táo quân bảo mật thông tin để tăng hấp dẫn ảnh 1
* PHÓNG VIÊN: Thông tin về Táo quân luôn được săn lùng nhưng dường như mọi ngả đường tiếp cận nội dung chương trình đều kín bưng. Có phải ê kíp thực hiện phải ký những điều khoản về bảo mật thông tin?
- Biên kịch ĐINH TIẾN DŨNG: Chúng tôi đều là người làm nghệ thuật, dù không có những quy định giấy trắng mực đen nhưng chúng tôi luôn tuân thủ quy tắc chung. Như nghệ sĩ Chí Trung là giám đốc nhà hát, là đạo diễn của nhiều vở, nhưng đến với Táo quân, anh là diễn viên và luôn tuân thủ vị trí làm việc của mình. Hay như nghệ sĩ Công Lý, Xuân Bắc, Tự Long... đều đang đảm đương cương vị lãnh đạo ở các đơn vị nghệ thuật, nhưng khi làm việc cùng nhau trong chương trình Táo quân đều thể hiện là những diễn viên chuyên nghiệp. Tôi cũng vậy, dù đang là Giám đốc Sáng tạo của FPT nhưng đến với Táo quân, tôi chỉ là một trong số các biên kịch. 
* Việc cứ phải giữ kín bí mật mà ai cũng háo hức muốn biết như vậy có làm anh cảm thấy bứt rứt?
- Nếu đặt mình vào vị trí khán giả, mình cũng rất tò mò muốn biết, nhưng giữ kín cũng có cái hay của nó, giống như tóm tắt nội dung của bộ phim phải khéo để vừa kéo mọi người đến xem, nhưng lại phải bí mật không lộ ra yếu tố nào là nút thắt. Bảo mật không phải là độc đoán mà là muốn giữ sự hấp dẫn để mọi người thưởng thức.
Sản phẩm diễn trên sân khấu và trên truyền hình có nhiều độ chênh. Đôi khi quay dài 3-4 giờ nhưng lên sóng chỉ khoảng 120 phút. Việc lựa chọn những phần hợp lý nhất để đưa tới cho khán giả thuộc về đạo diễn. Tiết lộ trước, nhỡ về sau yếu tố, chi tiết đó bị cắt bỏ thì sao? Một phần cũng vì vậy mà chúng tôi không muốn chia sẻ nội dung. Đây là sản phẩm mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người chịu trách nhiệm và anh ấy có quyền được nói. 
* Vài năm gần đây, Táo quân của VTV với nhiều người không chỉ đơn thuần là một chương trình giải trí, người xem đã kỳ vọng và khoác cho nó chiếc áo quá lớn, như phải chuyển tải những câu chuyện, thông điệp… Ê kíp thực hiện có cảm thấy áp lực?
- Đúng là chương trình được người xem đặt cho nhiều trọng trách, nhưng với vị trí của một biên kịch thì chỉ chịu áp lực trực tiếp từ đạo diễn, khi mà sản phẩm, tức kịch bản mình đưa ra có chất lượng kém. Chúng tôi phải làm việc bất kể thời gian, nhiều lúc 2 giờ sáng nghĩ ra ý tưởng gì hay cũng phải gọi điện ngay cho nhau. Thời gian hoàn thành kịch bản nhiều lúc kéo dài tới một tháng. Cũng may mắn, nhờ sự phát triển của công nghệ, chúng tôi tiếp cận dễ dàng hơn những nguồn sáng tạo hài hước từ cộng đồng và đưa vào tác phẩm.
* Việc bộ phận nào chỉ biết bộ phận ấy liệu có dẫn tới trùng lặp hoặc rời rạc về kết cấu của Táo quân không?
- Thực hiện kịch bản cho Táo quân cũng giống như xây một ngôi nhà. Công việc có nhiều đầu việc khác nhau, mỗi người thợ như chúng tôi lại phụ trách một hạng mục. Tôi thường phụ trách các tình huống có sự tham gia thoại của đông người. Đây là sản phẩm thông qua nhiều lớp sáng tạo. Tất cả dựa trên thiết kế do tổng công trình sư là đạo diễn vẽ lên. Anh ấy là người quyết định phần nội dung nào cần xây cao, thấp hoặc phải làm lại. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là người chịu áp lực cuối cùng của sản phẩm và anh ấy rất cầu toàn.
Cũng như các diễn viên tham gia chương trình này, ngoài tài năng thì họ còn có tình yêu và đam mê lớn với nghề, với chương trình. Sau một ngày làm việc vất vả, họ đến chỗ tập từ 10 giờ tối, luyện tập với nhau tới 4-5 giờ sáng hôm sau. Lần nào đến, tôi đều thấy người thì tập, người tranh thủ chợp mắt, người lại bấm điện thoại chờ tới lượt diễn. Thử tưởng tượng xem, cứ ngày đi làm, đêm tập suốt 10-15 hôm như vậy trước buổi ghi hình chính thức, nếu không phải vì lòng yêu nghề, họ sẽ chẳng làm được.
* Tham gia 11/15 chương trình, anh có thấy tình huống nào trong Táo quân thì phản ứng của khán giả vượt quá tầm kiểm soát của những người làm chương trình?
- Sản phẩm lên sóng truyền hình ngoài việc các nghệ sĩ tập luyện, tổng duyệt, thu hình tới 3 buổi thì còn phải qua nhiều khâu biên tập, hậu kỳ, vì thế sẽ không có chuyện nội dung chương trình vượt quá tầm kiểm soát. Bản thân tôi thấy chưa, vì có những năm, khán giả khen - chê đúng chỗ nên không có gì bất ngờ. Nhưng cảm xúc với mỗi chương trình thì khác nhau. Những năm đầu tiên tham gia Táo quân, cảm xúc râm ran hơn, nay thì lo lắng là không đưa đến cho khán giả sản phẩm tốt nhất. Nếu không làm tốt thì thấy buồn!

Tin cùng chuyên mục