Biên đạo múa Tuyết Minh: Lưu giữ tinh hoa dân tộc bằng ngôn ngữ múa

Đầu tư tiền tỷ để dựng vở múa là một sự dũng cảm trong bối cảnh sân khấu nghệ thuật đìu hiu. Thế nhưng, biên đạo múa Tuyết Minh và các nghệ sĩ đã kỳ vọng nhiều hơn thế với vở múa Mỵ

Với họ, tác phẩm sân khấu lấy cảm hứng từ chuyện Vợ chồng A Phủ, làm không chỉ để đi thi, dù Mỵ từng đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018. Tham vọng của các nghệ sĩ là tìm cho Mỵ những suất diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đưa Mỵ đến gần khán giả hơn nữa.

Biên đạo múa Tuyết Minh: Lưu giữ tinh hoa dân tộc bằng ngôn ngữ múa ảnh 1 Biên đạo múa Tuyết Minh

* PHÓNG VIÊN: Tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ từng được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh khá thành công. Đưa A Phủ và Mỵ lên sân khấu với những giới hạn về không gian, thời gian có gây khó khăn cho đạo diễn?

- Biên đạo múa TUYẾT MINH: Nhiều người cũng hỏi rằng, tại sao lại thích làm mới một câu chuyện cũ, quen thuộc, như vậy có an toàn? Cách đây 2 năm, tôi đã có ý tưởng viết kịch bản múa chuyển thể từ các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Vợ chồng A Phủ… mong muốn giữ lại những giá trị tinh hoa của dân tộc bằng ngôn ngữ múa. Đúng là Mỵ lấy ý tưởng từ Vợ chồng A Phủ, nhưng chúng tôi không khai thác quá sâu bi kịch của Mỵ. Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những đặc sắc của văn hóa Mông đã được khắc họa sinh động. Đó là những phiên chợ tình, trò chơi dân gian, điệu múa, tiếng khèn đặc trưng của người Mông... Việc sử dụng các bài hát mới viết riêng cho chương trình, hay cách thể hiện âm nhạc theo phong cách Acapella (dùng các dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, nồi để tạo nhạc…, thể hiện nhịp sống sôi động tại phiên chợ vùng cao), tôi tin sẽ để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

* Phục vụ khách du lịch không giống như phục vụ các đối tượng xem nghệ thuật đơn thuần, liệu một vở diễn đậm chất liệu dân gian có hấp dẫn được du khách?

- Vì có mục tiêu rõ ràng là hướng tới sản phẩm du lịch văn hóa nên phần phục trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu được chúng tôi “đặt hàng” các chuyên gia từ TPHCM. Phần âm nhạc có một số ca khúc được viết mới, do các nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn đảm nhiệm. Cái hay là các sáng tác này đều được thể hiện bằng chất liệu dân gian bản địa. Những vật dụng hàng ngày cũng trở thành nhạc cụ, vừa gần gũi vừa mang đến sự tiếp nhận độc đáo cho khán giả.

Tôi dùng ngôn ngữ múa để kể câu chuyện của một vùng núi. Toàn bộ chương 1 nói về văn hóa dân tộc Mông, lễ hội của người Mông, trò chơi đánh cù, đêm chợ tình… Chương 2 nói đến câu chuyện A Phủ và Mỵ gặp nhau. Những cảnh được cho là nhạy cảm như hút thuốc phiện, tra tấn đều được thể hiện cách điệu bằng nghệ thuật múa đương đại, bằng ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt chứ không bị nặng nề, bi lụy.

Biên đạo múa Tuyết Minh: Lưu giữ tinh hoa dân tộc bằng ngôn ngữ múa ảnh 2 Một cảnh trong vở múa Mỵ

* Đưa nghệ thuật phục vụ du lịch là cái đích hướng tới không chỉ của người làm nghệ thuật. Song để thành công, rõ ràng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Liệu bài toán nghệ thuật là kinh doanh của Mỵ có rơi vào tình trạng duy ý chí?

- Tôi theo đuổi con đường xã hội hóa, bởi tôi nghĩ, tác phẩm phải gần với đời sống. Tôi cùng Nhà hát Dân gian Việt Bắc đầu tư cho vở diễn này khá lớn, không chỉ để giành huy chương. Mong muốn của tôi là vở diễn sẽ bán được vé và có khán giả.

Mong muốn này không phải bâng quơ mà dựa trên cơ sở thực tế. Chúng ta có một Nhà hát Lớn có lịch sử hàng trăm năm, thay vì chỉ là đơn vị cho thuê địa điểm tổ chức thì thời gian gần đây, Nhà hát Lớn đã đứng ra thực hiện các đêm diễn chất lượng nghệ thuật cao. Cùng với đó là tour tham quan Nhà hát Lớn dành cho khách du lịch, sau đó thưởng thức vở diễn để hiểu hơn về văn hóa Việt. Nếu nhìn ra thế giới và khu vực, những nhà hát danh tiếng như Nhà hát Opera de Paris hay Bolshoi ở Nga cũng tự sản xuất các chương trình của mình và “đóng khung” trong lòng khán giả bởi những vở diễn kinh điển. Chúng tôi hướng tới những tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng có sức sống thời đại và có tính văn hóa, tư tưởng lớn.

* Việc thay đổi này liệu có làm giảm đi hàm lượng nghệ thuật trong vở diễn Mỵ đã từng được trao giải trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018?

- Tôi quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Tôi muốn lưu giữ những giá trị truyền thống như Vợ chồng A Phủ, Truyện Kiều, nhưng cũng muốn tác phẩm phải mang tiếng nói của thời đại mình đang sống. Dựng một vở diễn phải đi vào tâm tư tình cảm của con người hôm nay, chứ không thể xa rời quần chúng. Tự nghệ sĩ phải vận động. Tôi nghĩ, nghệ sĩ cứ cố gắng làm với niềm yêu thích của mình và nếu chúng ta để lại chút gì đó cũng là hạnh phúc.

*  Đưa một tác phẩm sân khấu thành một sản phẩm du lịch chắc chắn sẽ phải có những thay đổi cho phù hợp?

- Chúng tôi muốn gây dựng một địa điểm văn hóa du lịch. Đó là một tour du lịch nhỏ. Vở diễn sẽ cắt gọn lại chừng 30 phút để phù hợp với thời gian của du khách tham quan Nhà hát Lớn. Song chắc chắn chương trình không chạy theo lợi nhuận để thu hút khách du lịch mà phải đảm bảo hướng đến giá trị nghệ thuật cao, vì Nhà hát Lớn không phải là một địa điểm có thể thích làm gì thì làm. Đó là nơi lưu giữ những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực.

Tin cùng chuyên mục