Bi, hài bản quyền

Đầu tháng 9, ca sĩ Noo Phước Thịnh đã gây bão dư luận khi đâm đơn kiện đòi đoàn làm phim “Ngôi nhà bươm bướm” phải xin lỗi và bồi thường nửa tỷ đồng cho việc sử dụng bản thu của các ca sĩ mà chưa được sự đồng ý từ phía tác giả. Nhiều người nghe đã “choáng” vì số tiền đòi bồi thường quá lớn trong khi bộ phim bắt đầu ra rạp ngày 31-8 lại không mấy ăn khách, chỉ chiếu lèo tèo vài suất.

Con số nửa tỷ đồng vi phạm bản quyền là đắt hay rẻ? Đầu tiên, có thể nói là không đắt cũng chẳng rẻ trong mặt bằng thu nhập chung. Bản thân Noo Phước Thịnh cũng từng dính đến một vụ kiện khác mà hậu quả để lại còn lớn hơn nhiều. Năm 2017, MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi” của Noo Phước Thịnh đang “hot” rần rần với 30 triệu lượt người xem trên YouTube - tương ứng với gần 200 triệu đồng tiền mặt quy đổi - thì bỗng dưng bị nhà mạng xóa sạch với lý do vi phạm bản quyền. Vi phạm chỉ là do sử dụng giai điệu của một nhạc sĩ Tây làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi trong MV. Sau đó, Noo Phước Thịnh phải lên tiếng xin lỗi và sửa lại bằng đoạn nhạc khác, chịu mất trắng lượt xem khủng trước đó để làm lại từ đầu. Thế nhưng, Noo Phước Thịnh còn bị yêu cầu bồi thường gần 1 tỷ đồng về bản quyền.

Tương tự, Bảo Anh với bản hit “Sống xa anh chẳng dễ dàng” khi “cầm nhầm” 3 bản hòa âm của một tác giả nước ngoài, phải bỏ ra gần 400 triệu đồng tiền phạt và tiền mua bản quyền. Và như đã thấy, chỉ cần “sống xa anh” để mơ mộng “chạm khẽ tim anh” thôi đã rối chuyện, vừa tiền mất lại tật mang, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp sáng tác về sau.

Danh sách vi phạm còn dài, từ “Họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm đến Thu Phương, Hồ Ngọc Hà, Phương Thanh… đều vướng những lùm xùm về sử dụng ca khúc không xin phép tác giả với lý do “thiếu chuyên nghiệp” trong thực thi luật tác quyền. Có thể nói, trong thời hội nhập, điều đáng mừng là đa phần các nghệ sĩ và các ông bầu “sô” đều có ý thức về tác quyền, từ việc xin phép bằng văn bản đến trả tiền theo thỏa thuận, nhưng vì nhiều lý do, vì túng thiếu hay vì “đãng trí”, những vụ việc vi phạm bản quyền vẫn còn nhan nhản. Đơn cử như vụ việc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gửi đơn khiếu nại Cục Tác quyền khi cả phần nhạc và lời của ca khúc “Nhật ký của mẹ” được “vô tư” đưa vào tập 19 của bộ phim “Quỳnh búp bê” mà không có sự cho phép của tác giả, khiến nhà sản xuất phim phải gửi văn bản xin lỗi… và hết phim!

Một giả thuyết khác được đưa ra là người ta cố ý “vi phạm bản quyền” để đánh bóng tên tuổi, như một cách PR hiệu quả và ít tốn kém nhất? Cũng có thể, khi không gì là không thể, nhất là với giới showbiz và trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật chung của giới trẻ. Trước Noo Phước Thịnh, “Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh khi tuổi 30 cũng đã bay sang xứ vạn đảo Indonesia thực hiện loạt ảnh nude giữa rừng nhiệt đới. Lâu nay, người ta cũng nói nhiều đến sự “đồng phạm” khi cả hai là nguyên đơn và bị đơn đều cố tình gây chuyện để quảng bá cho một bộ phim hoặc một chương trình ca nhạc có nội dung yếu kém, nhằm tăng sự tò mò, kích thích sự hiếu kỳ. Và rồi sau khi công kích nhau đã đời trên mạng, thì có màn chân thành xin lỗi và nộp phạt tượng trưng. Đó là một kịch bản có thể xảy ra, vừa có cao trào, kịch tính, vừa kết thúc có hậu: Thế là họ sống hạnh phúc, mãi mãi bên nhau…

Chống vi phạm bản quyền là việc phải làm đến nơi đến chốn, mà nếu như không chống được thì tốt nhất là phải sống chung, như Bill Gates - ông chủ của Microsoft - từng cầu mong rằng người sử dụng phần mềm của hãng ông sẽ... tiếp tục vi phạm bản quyền nhiều hơn nữa. Và quả thật, không chờ phiên bản lậu xuất hiện, Microsoft đã chủ động nâng cấp miễn phí toàn bộ máy tính đang xài Windows lên Windows 10 (cả bản quyền lẫn không bản quyền) nhằm khiến khách hàng “nghiện” sản phẩm mới của mình. Đó cũng là một cách quảng cáo khôn ngoan, ít tốn kém, mong chờ người dùng “hồi tâm” và bán được thêm các tiện ích phụ khác. Tương tự là cách giải quyết vấn đề xem lậu bộ phim truyền hình “Trò chơi vương quyền” - một trong những bộ phim đình đám nhất mọi thời - khi người ta để mặc cho xem “chùa” vì số tiền bản quyền mất đi sẽ được bù đắp bằng chi phí quảng cáo “miễn phí” nhờ người xem rỉ tai, giới thiệu phim đến bạn bè mình. Và nhờ đó, sản phẩm lậu vô tình trở thành đối thủ cạnh tranh để các nhà sản xuất và phân phối phải “chùn tay” khi tăng giá bán sản phẩm: giá quá cao, người ta sẽ đổ xô đi xem sản phẩm lậu khiến thiệt hại trở nên trầm trọng hơn.

Khi đã “cạn tàu ráo máng” phải đưa nhau ra tòa như trường hợp họa sĩ Lê Linh kiện công ty Phan Thị về bản quyền bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” thì kết cục cũng… như không, vì một bên được tuyên là tác giả “gốc”, bên kia được sở hữu nhưng không có quyền “phái sinh”. Nghĩa là chả có đồng xu cắc bạc nào trong một tác phẩm có thể tạo ra giá trị gia tăng. Và đó cũng là một chuyện bi, hài trong câu chuyện dài... bản quyền.

Tin cùng chuyên mục