“Bệnh” sợ chịu trách nhiệm

Trên thực tế, hình thức trình báo bằng giấy tờ, hỏi xin ý kiến sếp vẫn còn tồn tại rất nhiều tại các cơ quan, ban ngành. Chính thủ tục phiền hà này khiến cho các thông tin bị chậm trễ.
Cách đây không lâu khi Quốc hội tranh luận về nạn xâm hại trẻ em, chúng tôi được giao viết một bài phản ánh, lấy ý kiến các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong vấn đề này. Liên hệ phòng A - nơi có liên quan mật thiết trong vấn đề trẻ em của sở L tại TPHCM, gặp vị trưởng phòng để xin ý kiến, vị này bảo: Thông tin thì chị có sẵn đây hết nhưng theo quy định của sở, em chịu khó về xin giấy giới thiệu của cơ quan, trong đó ghi rõ nội dung cần trao đổi rồi qua đây gửi phòng hành chính để trình lãnh đạo ký. Khi có ý kiến chỉ đạo của sếp, chị mới dám trả lời. Tôi bảo vì đây là vấn đề đang nóng, cần ý kiến của sở về các giải pháp sở đã thực hiện trong thời gian qua cũng như kế hoạch trong thời gian tới, nếu phải đi xin trình các giấy tờ lòng vòng thì không kịp thời sự nhưng vị này vẫn cứ quả quyết phải có giấy tờ và xin ý kiến chỉ đạo của sếp. 

Khi đã nhờ người quen điện thoại trực tiếp cho giám đốc sở L, được vị này đồng ý để trưởng phòng A trả lời phỏng vấn, nhưng khi liên hệ lại trưởng phòng A, vị này vẫn thoái thác rằng văn bản đang trình ký tại bàn sếp, em cứ nói sếp nếu đồng ý ký thì chuyển cho em luôn. Sau một hồi vòng vo, chúng tôi phải điện thoại lại vị giám đốc sở cho biết vẫn bị làm khó. Khi vị trưởng phòng A nhận điện thoại của giám đốc thì mới quay sang chúng tôi bảo chị tới giờ phải đi họp rồi, có gì em để câu hỏi lại chị sẽ trả lời sau. Và nội dung chốt chúng tôi nhận được sau mấy tiếng đồng hồ chờ đợi là 5 dòng vỏn vẹn thông tin được trích từ một văn bản và không thể dùng được bất cứ câu nào. Vậy mà trước đó không lâu, trong lần gặp gỡ với báo chí, phó giám đốc sở L khoe hiện sở đã có nhiều cải cách hành chính, không còn các kiểu xin văn bản dài dòng mất thời gian, thông tin cung cấp cho báo giới cũng rất nhanh chóng. 

Trên thực tế, hình thức trình báo bằng giấy tờ, hỏi xin ý kiến sếp vẫn còn tồn tại rất nhiều tại các cơ quan, ban ngành. Chính thủ tục phiền hà này khiến cho các thông tin bị chậm trễ. Nhiều sự vụ, lẽ ra có thể giải quyết trực tiếp trong thời gian rất ngắn thì nhiều nơi lại yêu cầu các loại giấy tờ khiến sự phản hồi thông tin phải kéo dài có khi 2 đến 3 ngày. 

Một lần liên hệ lãnh đạo phường của một quận để đến viết bài về gương một cá nhân vừa được quận tuyên dương học tập làm theo Bác. Cứ nghĩ dễ dàng được gặp nhân vật, thế nhưng vị lãnh đạo phường lại hẹn 2 ngày nữa vì còn phải chờ xin ý kiến bí thư quận mới dám giải quyết cho gặp. 

Từ những vụ việc trên mới thấy hiện trong bộ máy công quyền có rất nhiều cán bộ có năng lực nhưng lại đùn đẩy công việc vì sợ phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó là một bộ phận không nhỏ những người không có năng lực nên cũng đùn đẩy việc đi vì sợ gây ra hậu quả và bản thân phải gánh lấy trách nhiệm. Chính những việc làm trên đã tạo ra những cán bộ không chủ động trong công việc; lớp cán bộ sợ cấp trên hoặc không đủ năng lực để giải quyết công việc trong phạm vi chức trách được giao. Thiết nghĩ, cả hai “căn bệnh” này đều phải được trị dứt điểm mới có thể làm tinh gọn bộ máy đang rất cồng kềnh như hiện nay. 

Đâu chỉ các cấp cơ sở, mà hiện nay kể cả một số bộ, ngành và địa phương cấp tỉnh vẫn còn tình trạng đùn đẩy việc lên Thủ tướng, trong khi đó là việc đã được phân công, phân quyền trong phạm vi bộ, ngành và địa phương được giải quyết. Đã đến lúc, cải cách hành chính cần phải được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn nữa, giúp xây dựng một cách nhanh chóng nền hành chính thực sự phục vụ nhân nhân.

Tin cùng chuyên mục