Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguy cơ cao đối với người hút thuốc lá

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 65 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) từ mức độ từ trung bình đến nặng. Hơn 3 triệu người chết vì COPD năm 2005, tương ứng 5% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới, khoảng 90% tử vong do COPD xảy ra ở các nước có thu nhập thấp – trung bình. 
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Nguy cơ cao đối với người hút thuốc lá
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD) là tên của một nhóm các bệnh phổi bao gồm: viêm phế quản mạn, khí phế thủng và COPD. Các triệu chứng điển hình của COPD bao gồm: khó thở khi gắng sức; ho khạc đàm dai dẳng và thường xuyên nhiễm trùng phổi.
Trước đây, COPD chủ yếu gặp ở nam giới, nhưng ngày nay tỷ lệ mắc bệnh ở cả nam và nữ gần như tương đương nhau do tỷ lệ nữ hút thuốc lá gia tăng. Năm 2002, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5, dự đoán đến 2030 sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong do COPD dự đoán sẽ tăng hơn 30% trong 10 năm tới, trừ khi có những hành động khẩn cấp làm giảm các yếu tố nguy cơ, nhất là vấn đề hút thuốc lá. 
Phần lớn bệnh không được chẩn đoán cho đến những năm 50 của cuộc đời, mặc dù bệnh đã bắt đầu ảnh hưởng từ độ tuổi 35 trở lên, do nhiều người có triệu chứng nhưng không đi khám bệnh vì nghĩ đó là triệu chứng do hút thuốc lá.
Bác sĩ CKI Dương Ánh Phượng, công tác tại Khoa Nội Tổng Quát của Bệnh viện Quốc tế City cho biết, bệnh viện đã khám và tầm soát bệnh, điều trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh viện sử dụng máy đo hô hấp ký Mỹ. Hiện tại COPD không thể chữa khỏi, nhưng nếu phát hiện và điều trị thích hợp càng sớm thì càng ít bị tổn thương phổi nặng.
Các triệu chứng của bệnh thường tiến triển qua nhiều năm, do đó nhiều người không nhận ra triệu chứng bệnh. Những người đang hút thuốc lá tuổi trung niên hay đã từng hút thuốc lá có ho dai dẳng (nhất là vào buổi sáng), khó thở khi gắng sức nhẹ hay ho dai dẳng và cảm lạnh khi thời tiết thay đổi thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn và đo Hô hấp ký – kiểm tra đơn giản để chẩn đoán. 
Các triệu chứng của COPD thường nặng lên vào mùa lạnh, thường có hơn hai đợt cấp trong năm. Gọi là đợt cấp khi các triệu chứng xấu hơn đáng kể và đây là một trong những nguyên nhân nhập viện thường gặp nhất. 
Để giảm nhẹ các ảnh hưởng COPD, bản thân mỗi người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân mình và sẵn lòng đón nhận sự hỗ trợ từ nhân viên y tế hoặc những người có liên quan. Khi đó, người bệnh có thể sống lâu hơn, giảm đau, ít lo lắng, ít trầm cảm và mệt mỏi, chất lượng cuộc sống tốt hơn, năng động và độc lập hơn. 
Điều đó đồng nghĩa với việc, sử dụng thuốc theo toa bác sĩ, ngay cả khi cảm thấy khỏe hơn, giúp ngừa các đợt cấp; nên hỏi ý kiến nhân viên y tế trước khi dùng các thuốc giảm đau hay thực phẩm chức năng, để tránh các tương tác thuốc bất lợi. 
Nguyên nhân chính của COPD là hút thuốc lá, khả năng tiến triển đến COPD gia tăng khi hút thuốc lá càng nhiều và thời gian hút càng dài; do khói thuốc kích thích và gây viêm tại phổi hình thành nên các xơ sẹo.
Qua nhiều năm, tình trạng viêm đưa đến các thay đổi vĩnh viễn ở phổi, thành các đường thở dày lên và tiết nhiều chất nhầy hơn. Vách các túi khí trong phổi bị phá hủy đưa đến tình trạng khí phế thủng và mất độ đàn hồi của phổi. Các đường thở nhỏ trở nên xơ sẹo và hẹp. Chính những thay đổi này gây nên các triệu chứng khó thở, ho và khạc đàm trong bệnh cảnh COPD. Khói, bụi, ô nhiễm không khí và các rối loạn gene cũng có thể dẫn đến COPD nhưng hiếm.

Tin cùng chuyên mục