Bến Tre thiếu nguyên liệu… dừa

Hiện nay, giá dừa khô ở Bến Tre ở mức trên 110.000 đồng/12 quả (tăng gần gấp đôi so năm ngoái). Tuy nhiên, nguồn cung vẫn không đủ cầu, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất.
Sản xuất cơm dừa nạo sấy tại Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre Ảnh: HOÀNG HÀ
Sản xuất cơm dừa nạo sấy tại Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre Ảnh: HOÀNG HÀ
Ghi nhận thực tế tình hình thị trường trong tháng 5, giá dừa tại tỉnh Bến Tre liên tục tăng. Giá dừa khô thu mua đạt đỉnh và dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/12 quả. Trước tình trạng đó, những tháng gần đây, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ rất vất vả cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn để thu mua dừa phục vụ cho sản xuất, nhiều khi không có hàng để mua.
Ông Nguyễn Bảo Trí, Phó giám đốc Công ty Chế biến dừa Lương Quới, cho biết: “Nguồn nguyên liệu dừa khô đang thiếu hụt và không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như hoạt động sản xuất của các công ty chế biến. Để có nguyên liệu đảm bảo hoạt động sản xuất, chế biến, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất buộc phải nhập khẩu nguyên liệu dừa từ nơi khác. Tuy nhiên, lại xuất hiện nghịch lý đang diễn ra tại xứ sở của cây dừa là mặc dù giá đang cao ngất và tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, nhưng nhiều nhà vườn trồng dừa tại Bến Tre lại không vui vì năng suất cây dừa giảm hơn 60% so với các năm trước”. Nguyên nhân chính được nhiều nhà vườn trồng dừa nơi đây cho biết là do ảnh hưởng của hạn mặn gây ra từ năm ngoái. Bên cạnh đó, một số diện tích vườn dừa còn bị bọ cánh cứng, đuông dừa, bọ vòi voi… gây hại nên năng suất giảm mạnh.
Theo Sở Công thương Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 1.970 cơ sở sản xuất, chế biến dừa để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Các doanh nghiệp nếu chạy hết công suất, mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,1 tỷ trái dừa khô. Chính vì vậy, việc thiếu hụt nguyên liệu dừa sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chế biến dừa trong thời gian tới.
Đánh giá về quá trình sản xuất và tiêu thụ dừa tại Bến Tre hiện nay, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng diện tích trồng dừa của các hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; liên kết sản xuất chưa tốt. Một số nhà vườn do diện tích dừa già cỗi, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dẫn tới năng suất, sản lượng dừa trái giảm đáng kể. Trong khi đó, giá nguyên liệu đôi lúc không ổn định, một số nhà máy khó khăn do thiếu nguyên liệu, sự liên kết còn lúng túng, lỏng lẻo với các hộ dân.
Để tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững ngành dừa tại tỉnh Bến Tre, ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho rằng: “Bà con nông dân cần phải thay đổi tập quán sản xuất. Cái cần nhất hiện nay là phải liên kết, tổ chức lại sản xuất, xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã dừa; đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cải tạo giống, “trẻ hóa” vườn dừa, phòng trừ dịch hại, phát triển cây dừa theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất và chất lượng”. Ông Võ Thành Hạo cũng nhấn mạnh, sự gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân phải chặt chẽ hơn nữa. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động liên kết và hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Qua đó, sẽ tạo được vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất; nông dân có được đầu ra ổn định, không lo tình trạng giá bấp bênh.

Tin cùng chuyên mục