Bắt đầu từ thành phố xanh, sạch…

TPHCM đang nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, sáng tạo, nghĩa tình… và theo nhiều chuyên gia về phát triển đô thị, có nhiều việc phải làm để đạt được các mục tiêu trên, song không thể thiếu việc làm cho thành phố xanh, sạch hơn… Báo Sài Gòn Giải Phóng đã ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia liên quan đến vấn đề trên.

Ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM: Nên học hỏi “đô thị trong vườn” của Singapore

Mô hình phát triển mảng xanh đô thị của Việt Nam là “vườn trong đô thị”. Với mô hình này, chỉ các mảng xanh tập trung thành công viên (dù có thể không lớn) mới được tính vào chỉ tiêu phát triển cây xanh của đô thị.

Thời gian qua, mô hình phát triển này ở TPHCM đã bộc lộ nhiều bất cập.

Thứ nhất, ngân sách thành phố khó “kham” hết nhu cầu làm công viên đúng theo chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng, bởi cùng với kinh phí làm công viên còn là kinh phí đền bù, giải tỏa. Đây đều là những chi phí khổng lồ, ngay cả với công viên xây dựng ở ngoại thành.

Thứ hai, TPHCM linh hoạt giao chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị có trách nhiệm phải đầu tư khu công viên trong khu vực dự án, coi đây là trách nhiệm đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp và các công viên này là tài sản chung của xã hội, mọi tầng lớp người dân đều có quyền đến công viên ấy vui chơi giải trí.

Nguyên tắc là thế, song nhiều chủ đầu tư đã cố tình “biến” thiết kế công viên đó thành “của riêng” cho dự án phát triển đô thị của mình. Chưa kể, nhiều chủ đầu tư còn cố tình “lơ” trách nhiệm phát triển mảng xanh hoặc thậm chí còn tìm mọi cách lấn phần đất dành cho công viên để xây nhà bán…

Thứ ba, nghiêm trọng hơn, do không coi cây xanh đường phố là mảng xanh góp phần cải thiện môi trường mà chỉ coi cây phục vụ giao thông, nên khi giao thông cần (đất) mở đường là cây xanh phải “hy sinh”. Thứ tư, chính vì cho rằng chỉ có cây xanh trong công viên mới là “mảng xanh” của thành phố nên thành phố đã không chú ý đúng mức đến việc khuyến khích người dân tham gia trồng cây ngay tại khuôn viên nhà của mình.
Bắt đầu từ thành phố xanh, sạch… ảnh 1 Mảng xanh trên đường giao thông tại quận 7, TPHCM
Do vậy, theo tôi, để TPHCM “xanh hơn”, việc đầu tiên là phải thay đổi quan điểm về phát triển mảng xanh. Nên tham khảo mô hình phát triển “đô thị trong vườn” của Singapore để tận dụng mọi không gian có thể cho cây xanh. Cây xanh đường phố hay cây xanh trong nhà dân… đều được coi là mảng xanh của thành phố. Thay đổi được quan điểm này thì TPHCM mới có cơ sở kêu gọi mọi thành phần tham gia trồng cây xanh, giúp thành phố thêm xanh, mát hơn.

Đại biểu HĐND TPHCM NGUYỄN THỊ TỐ TRÂM: Luật có rồi, tại sao không xử phạt nghiêm?

Tình trạng rác thải bừa bãi ở nơi công cộng, chung quy lại là ý thức của con người. Tôi có cảm tưởng rằng, việc xử lý hành vi xả rác nơi công cộng chúng ta làm như phong trào, rồi đâu lại vào đó. Tại sao TPHCM chưa thiết lập được ý thức không xả rác ra nơi công cộng như là văn hóa của người dân?

Trong khi đó, tại sao người Việt Nam khi đi du lịch sang Singapore và các nước văn minh khác, lại không vứt rác xuống đường phố? Vì sao? Vì họ sợ bị phạt nặng. Trái ngược với nhiều người nước ngoài đến Việt Nam du lịch luôn có ý thức và cùng tham gia bảo vệ môi trường, nhưng cũng không ít khách ngoại quốc lại thản nhiên khạc nhổ, vứt rác ra đường? Đó là vì không bị ai phạt, dù luật đã có quy định.

Những điều đó cho thấy, thói quen xấu vẫn có thể sửa được trong môi trường văn minh, pháp luật nghiêm minh và ngược lại, trong môi trường tính tuân thủ pháp luật chưa được đề cao, người ta có thể dễ dàng, tùy tiện đến ngang nhiên phạm luật.

Khi ý thức người dân còn kém thì vai trò quản lý nhà nước đóng ý nghĩa quyết định. Chính các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận nghiêm túc vai trò quản lý của mình để có biện pháp hiệu quả hơn.

Từ ngày 1-2-2017, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo đó, người có hành vi gạt tàn thuốc lá, bỏ mẩu thuốc lá nơi công cộng bị xử phạt lên tới 1 triệu đồng.

Hành vi vứt rác thải sinh hoạt, phóng uế không đúng quy định ở khu chung cư, khu dịch vụ, thương mại, nơi công cộng, bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Hành vi vứt rác thải sinh hoạt ở nơi công cộng thì mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng... So với những quy định trước đây, mức xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP cao hơn nhiều lần.

Luật đã có rồi, nhưng tại sao cơ quan quản lý không áp dụng để xử phạt? Tôi cho rằng cần xử phạt thật nặng các hành vi xả rác, thực hiện công bằng và công khai. Tôi tán đồng với việc trong thời gian đầu, khi nề nếp chưa được thiết lập, cần duy trì đội ngũ xử phạt thường xuyên, liên tục.

Đội ngũ này phải được trả công xứng đáng và có thể dùng toàn bộ số tiền thu được từ việc phạt các trường hợp xả rác bừa bãi để chi cho hoạt động của đội ngũ xử phạt. Thậm chí, nếu thiếu thì đề nghị TP có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ để lực lượng xử phạt hoạt động tích cực, thật nghiêm nhằm thay đổi ý thức, hành vi của người dân.

Khi ý thức người dân được cải thiện, không còn xả rác lung tung, TP sẽ tiến tới giảm hoặc không cần chi hỗ trợ cho đội ngũ xử phạt người xả rác nữa.

Đại biểu HĐND TPHCM NGUYỄN MẠNH TRÍ: Mỗi người dân trồng một cây xanh

TPHCM nên tạo các điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng bỏ rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi.

Cụ thể, trên các tuyến đường, cần bố trí nhiều thùng rác kết hợp phân loại rác tại nguồn. Khảo sát, lắp đặt thùng rác với quy cách phù hợp, bắt mắt để tạo sự chú ý và tiện lợi cho người dân.

Không nên lắp thùng rác quá nhỏ, rồi rác lại tràn ra đường. Việc thu gom rác tại gia đình, nơi công cộng phải được sắp xếp sao cho thật hợp lý theo thời gian, địa bàn để người dân có thể bỏ rác thuận lợi, rác không bị ứ đọng.

Sau khi đã chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để bỏ rác, thu gom rác từ các hộ gia đình đến nơi công cộng, TP cần áp dụng các chế tài mạnh, xử lý thật nghiêm. Với các hộ gia đình, nếu hộ dân nào thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, TP nên giảm phí thu gom rác hàng tháng cho các hộ này.

Rác sau khi phân loại sẽ là nguồn tái chế, là nguồn tiền. Nếu giảm phí thu gom rác cho các hộ dân như vậy sẽ khuyến khích được người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn và bỏ rác đúng nơi đúng chỗ.

Hiện nay, tại những nơi công cộng, trên nhiều tuyến đường đã được lắp camera an ninh; vì thế TP nên tận dụng hệ thống công nghệ này phục vụ luôn việc “phạt nguội” các hành vi xả rác nơi công cộng, trên đường phố.

 Hình phạt không nhất thiết phải lập biên bản xử phạt hành chính, mà có thể yêu cầu người vi phạm đi lao động công ích, như quét rác, chăm sóc cây xanh vào một ngày nào đó trong tuần hay cuối tuần. Cách xử phạt này giúp người vi phạm tham gia làm việc có ích cho cộng đồng, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi.

Cùng với việc xử lý nghiêm tình trạng vứt rác nơi công cộng, để TPHCM xanh - sạch - đẹp, rất cần tăng cường mảng xanh cho đô thị. Mỗi cư dân ở Trường Sa đều trồng một cây xanh. Nhiều đô thị trong cả nước cũng thực hiện rất tốt việc vận động người dân trồng, chăm sóc cây xanh.

Nên chăng, TPHCM cũng vận động mỗi người dân trồng một cây xanh? Trước hết vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên tích cực đi đầu. TP cũng cần có điểm cung cấp cây giống miễn phí cho người dân; người dân muốn trồng cây gì, trồng ở đâu, cứ đến địa điểm TP cung cấp cây giống miễn phí và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xanh. Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng sẽ có một phong trào tham gia trồng cây xanh rộng khắp.

Trong bối cảnh TPHCM “đất chật người đông”, rất cần phát triển mảng xanh theo chiều cao, dây leo, bồn cây… Trong xây dựng, cần tuyệt đối tuân thủ quy định về bố trí mảng xanh.

Với khu dân cư hiện hữu, khi sửa chữa, cần bố trí mảng xanh phù hợp. Với những khu dân cư phát triển mới, cần bố trí diện tích mảng xanh một cách thỏa đáng. Đồng thời, ở các khu vực vùng ven còn nhiều đất, TP nên phát động trồng cây trên diện rộng, vừa giữ.

Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 có đề ra chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành hiện hữu là 2,4m2/người, khu vực nội thành phát triển mới là 7,1m2/người, khu vực ngoại thành 12m2/người. Hiện mật độ công viên cây xanh tại thành phố vẫn chưa đến 1m2/người, diện tích cây xanh lại không phân bổ đồng đều nên có tình trạng nhiều khu vực mảng xanh lớn nhưng cũng có khu vực khu dân cư chen chúc, ngột ngạt vì không có mảng xanh. Chưa kể, thời gian qua để làm đường mới, nhiều hàng cây xanh cổ thụ đã bị bứng đi…

Tin cùng chuyên mục