Bất cứ ở đâu, ai sai phạm đều bị xử lý

Việc chậm công bố kết quả thanh tra “biệt phủ” của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý vì TTCP muốn làm rõ, chính xác nhất những sai phạm của những người liên quan.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều tối 3-10, báo chí tiếp tục chất vấn tại sao đến nay Thanh tra Chính phủ (TTCP)  vẫn chưa công bố kết quả thanh tra “biệt phủ” của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý, khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch?

Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo TTCP thừa nhận chậm công khai kết luận thanh tra, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. 

“Việc chậm này có trách nhiệm của TTCP, nhưng không vì bất cứ mục đích nào, không vì sức ép nào, chậm chỉ vì TTCP muốn làm rõ, chính xác nhất những sai phạm của những người liên quan”,  ông Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng TTCP khẳng định.

Báo chí cũng nêu câu hỏi về thực tế vừa qua, xảy ra nhiều vụ án, nhiều cán bộ vướng vòng lao lý, dẫn đến nỗi lo “mất cán bộ”? 

Theo ông Mai Tiến Dũng, Đảng Nhà nước, cả hệ thống của chúng ta quyết tâm chống tham nhũng, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của đồng chí Tổng Bí thư. Vì vậy vừa qua những sai phạm của cán bộ về tài sản, bằng cấp, sử dụng ô tô hay các vụ án xảy ra ở các ngân hàng, tập đoàn kinh tế đều được xem xét rất kỹ của các cơ quan thanh tra, cơ quan hữu quan. 

“Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư xem xét xử lý đúng người đúng tội, không có vùng cấm.  Không chỉ vụ án nghiêm trọng mà ngay cả các vụ việc báo chí quan tâm thì dù xảy ra ở đâu đều được chỉ đạo xử lý nghiêm. Kể các vụ việc như quán cà phê Xin chào; đánh người ở sân bay, lạm thu.. đều được chỉ đạo xử lý nghiêm, công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Vẫn theo ông Mai Tiến Dũng, đây là bài học về quản lý cán bộ mà ngay cả các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ ra. Việc phát hiện các sai phạm của cán bộ cấp cao trong các vụ án kinh tế là bài học đắt giá trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, do trong thời điểm nào đó chưa quản lý hết, chưa đánh giá kỹ lưỡng.

“Tinh thần chung là dù xảy ra ở đâu, dù với bất cứ ai, kể cả những người đã nghỉ hưu thì đều phải xử lý nghiêm minh, công khai”, ông Dũng khẳng định. 

Đồng thời cho rằng, vừa qua việc xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, các vụ việc nghiêm trọng đã tạo niềm tin của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thanh tra làm rõ sai phạm ở các dự án, các vụ việc mà nhân dân bức xúc, có dấu hiệu sai phạm.

Với câu hỏi xử lý sai phạm của cán bộ đứng đầu Đà Nẵng có ảnh hưởng gì đến APEC 2017?

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, việc triển khai kết luận bước đầu của Ủy ban Kiểm tra TƯ về Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng không ảnh hưởng gì đến APEC.

“Đây là sự kiện quan trọng của quốc gia, Ủy ban quốc gia APEC 2017 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm chủ tịch với sự tham gia của các bộ ngành liên quan luôn chỉ đạo rất sát sao. Chính phủ đã tính đến mọi phương án, sẽ không có bất cứ sự ảnh hưởng nào”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Chính phủ khẳng định.

Năm học 2019-2020 mới thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

Tại phiên họp, Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian một năm cho việc thực hiện chương trình-sách giáo khoa mới, đồng thời đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục. 

Như vậy, chương trình - sách giáo khoa mới sẽ được triển khai từ năm học 2019-2020 nếu được Quốc hội đồng ý.

Tin cùng chuyên mục