Bất cập trong học và thi môn Tiếng Anh ở trường phổ thông

Tại TPHCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 cũng có gần 50% bài thi Tiếng Anh điểm dưới trung bình. Vì sao môn học được xem là 1 trong 3 môn chính, được đầu tư rất nhiều qua hàng loạt đề án, chính sách phát triển lại có điểm thi thấp như vậy?

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 do Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, môn Tiếng Anh xếp thứ 2 trong tổng số 9 môn thi về tỷ lệ bài thi có điểm dưới trung bình (5 điểm). Trước đó, tại TPHCM, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 cũng có gần 50% bài thi Tiếng Anh điểm dưới trung bình. Vì sao môn học được xem là 1 trong 3 môn chính, được đầu tư rất nhiều qua hàng loạt đề án, chính sách phát triển lại có điểm thi thấp như vậy?

Điểm thấp vì thiếu kỹ năng làm bài

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về điểm thi THPT quốc gia năm 2018, trong khi môn Lịch sử có điểm trung bình “đội sổ” là 3,79 thì môn Tiếng Anh chỉ nhỉnh hơn một chút với 3,91 điểm. Thêm vào đó, do chỉ được xem là một trong các môn thi “chống liệt” để xét công nhận tốt nghiệp nên Lịch sử có 83,25% bài thi dưới trung bình, thì Tiếng Anh cũng không khả quan hơn với 78,22% bài thi dưới trung bình.

Đặc biệt, cả nước có đến 2.189 bài thi Tiếng Anh bị điểm liệt (từ 0 - 1 điểm). Kết quả này, theo nhận xét của nhiều giáo viên Tiếng Anh là rất đáng lo ngại, bởi đây là 1 trong 3 môn học chính trong chương trình và quy định bắt buộc đối với các kỳ thi.

Lý giải thực tế này, thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng đề thi môn Tiếng Anh khác các môn thi trắc nghiệm khác là không bố trí câu hỏi theo mức độ khó tăng dần, mà đan xen câu hỏi dễ và khó, do đó thí sinh bị điểm thấp là do không có kỹ năng đọc đề và phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

Trước đó, tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, thầy Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng Tổ Anh văn Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), nhận định đề thi không mang tính đánh đố nhưng thí sinh vẫn chọn đáp án sai, vì các đáp án gần giống nhau.

Kết quả điểm thi cho thấy nhiều học sinh có học lực khá, giỏi môn Tiếng Anh năm lớp 9 vẫn bị “ngã ngựa” vì thiếu kỹ năng làm bài, chỉ cần đề thi có từ vựng mới hoặc biến hóa nội dung một chút sẽ ngay lập tức bị lúng túng, không biết áp dụng các phương pháp đoán nghĩa từ qua văn bản, loại trừ đáp án… Qua đó cho thấy, dù được xem là 1 trong 3 môn học chính ở trường phổ thông, mỗi năm tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ giáo viên, nhưng kết quả điểm thi của môn học này rất đáng báo động.

“Thực tế này có một phần lỗi của giáo viên do không chủ động mở rộng phạm vi bài học trên lớp, chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh”, thầy Đặng Thanh Huân bày tỏ. 

Ngoài ra, nhiều học sinh cũng cho biết không có hứng thú với môn Tiếng Anh vì ngày nào lên lớp cũng lặp lại quy trình đọc - chép từ vựng/cấu trúc mới mà không có sự tương tác, nên kiến thức ép vào đầu như cái máy. Học sinh hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn, thích học Anh văn ở các trung tâm ngoại ngữ hơn vì phương pháp dạy sinh động, được tạo điều kiện giao tiếp.

Bất cập trong học và thi môn Tiếng Anh ở trường phổ thông ảnh 1 Dạy và học Tiếng Anh ở Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp)
Đầu tư nhiều, hiệu quả chưa như ý

Năm học này, bên cạnh chương trình Tiếng Anh theo Đề án của Bộ GD-ĐT, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM mở rộng các lớp chương trình Tiếng Anh tăng cường và Tiếng Anh tích hợp (dạy và học các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam) với thời lượng 8 tiết/tuần - tăng gấp đôi so với chương trình Tiếng Anh theo đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh.

Cụ thể, tại quận Tân Bình có 18/26 trường tiểu học tổ chức lớp Tiếng Anh tăng cường, trong đó có 3 trường tổ chức đồng thời 2 chương trình Tiếng Anh tăng cường và Tiếng Anh tích hợp. Tương tự, ở quận 1 có 14/16 trường tiểu học tổ chức lớp Tiếng Anh tăng cường, 13 trường mở lớp Tiếng Anh tích hợp. Học phí các lớp Tiếng Anh tăng cường và tích hợp dao động từ 300.000 - 4 triệu đồng/học sinh/tháng nhưng vẫn có rất đông phụ huynh đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, khi được hỏi về chất lượng đào tạo, không ít người lắc đầu ngao ngán. Chị Huỳnh Mỹ Ngọc, phụ huynh có con đang học tiểu học ở quận 5, cho biết ngoài việc cho con học Tiếng Anh ở trường, buổi tối chị còn đăng ký cho bé học ở trung tâm ngoại ngữ vì “lớp 4 rồi mà giao tiếp tiếng Anh kém quá, từ vựng thì chỉ biết những từ trong sách giáo khoa, ngữ pháp mở rộng xíu là con lúng túng, sợ không qua nổi kỳ thi Movers để tiếp tục học Tiếng Anh tăng cường ở lớp 5”.

Tương tự, nhiều phụ huynh có con đang học một trường tiểu học ở quận 3 cho biết, sau một năm đăng ký chương trình tích hợp, phụ huynh thấy con không theo nổi vì các bài kiểm tra cuối kỳ có độ khó khá cao, trong khi giáo viên dạy Tiếng Anh trên lớp được các con phản ảnh là “phát âm còn mắc lỗi, không mở rộng chủ đề bài học mà chỉ bám sát tài liệu”, nên làm đơn xin chuyển về lớp thường nhưng không được giải quyết, đành chọn giải pháp vừa học ở trường, vừa luyện thêm ở trung tâm ngoại ngữ.

Đánh giá về Đề án Ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020, người đứng đầu Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận việc triển khai chương trình còn nhiều bất cập. Số lượng học sinh được học ngoại ngữ còn thấp so với mục tiêu của đề án, thiếu giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn trở nên khó khăn, hoạt động bồi dưỡng cán bộ, giáo viên tại các đơn vị chưa thực sự đạt hiệu quả dù đề án đã tiêu tốn hơn 9.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Trước thực tế đó, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án mới với tên gọi “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”, kỳ vọng đổi mới mạnh mẽ chất lượng đào tạo ngoại ngữ ở tất cả bậc học. Song, nếu thiếu quyết tâm, việc tổ chức thực hiện không đồng bộ thì bức tranh ngoại ngữ sẽ khó đổi màu trong nhiều năm tới.

Tin cùng chuyên mục