Bất an với những “thùng sắt” di động

Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến xe container trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ đang có chiều hướng gia tăng.

Và dù đã có đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn vẫn không làm giảm tình trạng quá tải do mật độ xe container lưu thông quá dày trên các tuyến đường dân sinh... 

Tai nạn như cơm bữa

Địa bàn thị xã (TX) Dĩ An và Thuận An (tỉnh Bình Dương) là những nơi có mật độ xe container lưu thông cao nhất. Ngay từ sáng sớm ở khu vực ngã sáu An Phú (TX Thuận An), mọi ngả đường chật kín xe cộ, trong đó chủ yếu là xe container tỏa đi từ các hướng: đường 22/12 đi TP Thủ Dầu Một; đường Mỹ Phước - Tân Vạn xuyên qua khu vực TP Mới Bình Dương đi Mỹ Phước; quốc lộ 13 đi Khu công nghiệp (KCN) VSIP, TPHCM…

Bà Huỳnh Thị Hường (67 tuổi, phường Bình Hòa, TX Thuận An) bức xúc: Quốc lộ 13 đi qua TX mỗi chiều có 3 làn xe, nhưng cứ vào giờ cao điểm, nhất là vào chiều tối xe container từ cửa ngõ các KCN đi ra quá nhiều, tràn cả lên lề đường, chen lấn hết phần dành cho người đi bộ và làn xe máy, gây nên cảnh tượng ùn tắc kéo dài vài cây số. Tôi cũng thường xuyên chứng kiến cảnh xe container phóng nhanh, vượt ẩu khi qua ngã ba, ngã tư gây nên nhiều tai nạn thương tâm.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn được đưa vào sử dụng trong 2 năm gần đây nhưng lại là con đường xảy ra nhiều vụ TNGT chết người do container gây ra. Mới nhất là vụ TNGT giữa 2 xe đầu kéo xảy ra rạng sáng ngày 22-5 ở khu vực phường Thuận Giao, TX Thuận An làm lái xe chết tại chỗ.

Trước đó, vụ TNGT nghiêm trọng vào 5 giờ sáng 21-4 tại ngã tư đường Lê Thị Trung và Mỹ Phước - Tân Vạn làm anh Lê Trung Hậu (44 tuổi, ngụ TX Dĩ An) tử vong và đến chiều cùng ngày, cũng khu vực trên lại xảy ra vụ TNGT khác do xe container ôm cua ẩu đã làm 2 thanh niên ngã đập đầu xuống đường bất tỉnh, được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Tại con đường chính đi qua KCN Sóng Thần, xe container chạy ngược xuôi như mắc cửi. Diện tích mặt đường nhỏ chỉ đủ cho mỗi bên một làn ô tô cùng làn cho mô tô nên khi 2 xe container chạy cùng chiều qua mặt nhau thì không còn chỗ cho các phương tiện giao thông khác.

Tại ngã tư Bình Thung (phường Đông Hòa, TX Dĩ An), người dân cũng chứng kiến nhiều vụ TNGT chết người do xe container ôm cua quá ẩu, phóng nhanh gây ra. Đây cũng là một điểm đen về TNGT nhiều năm qua. Trong quý 1-2018, các vụ TNGT liên quan đến xe container trên toàn tỉnh Bình Dương là 57 vụ, tăng 8 vụ so với cùng kỳ, làm chết 55 người và 31 người bị thương. 

Bất an với những “thùng sắt” di động ảnh 1 Xe container lưu thông chật kín đường ĐT 743 đoạn qua TX Dĩ An. Ảnh: XUÂN TRUNG
Đồng Nai cũng liên tiếp ghi nhận các vụ rơi thùng container làm chết người đi đường. Như vụ xảy ra tối 14-3 trên địa bàn huyện Thống Nhất, khiến 3 người chết và 2 người bị thương nặng.

Trước đó, vụ rơi thùng container ra khỏi đầu kéo xảy ra trên địa bàn xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) vào ngày 6-1 đã đè chết anh Nguyễn Thành Thủy (41 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) và làm chiếc xe máy nát vụn. Đáng nói là số vụ TNGT gây thương vong cho học sinh phổ thông ở tỉnh này đang gia tăng, trong đó có nhiều vụ do xe container gây ra. 

Sống chung với container?

Nhiều năm qua, người dân Bình Dương đành “sống chung với lũ”, với tâm lý “tránh được đến đâu thì tránh”. Số lượng xe container đăng ký lưu hành trên địa bàn tỉnh tăng chóng mặt với khoảng hơn 3.000 xe đang hoạt động, trong đó có 1.493 chiếc do Sở GTVT quản lý. Trong đó, phù hiệu cấp mới đều tăng ở mức trên 100%. Cụ thể, năm 2016 cấp mới 439 chiếc, năm 2017 là 440 chiếc, chưa kể hàng ngàn phương tiện ở các tỉnh khác thường xuyên qua lại hoặc bốc dỡ hàng...

Kết cấu hạ tầng giao thông tại các tỉnh Đông Nam bộ chưa đồng bộ với tốc độ phát triển các KCN, cụm CN làm gia tăng lượng xe container lưu thông trên các tuyến đường huyết mạch. Chỉ tính riêng trên quốc lộ 13, trong phạm vi khoảng 15km đã có gần 10 KCN với hàng chục ngàn doanh nghiệp và hàng chục ngàn phương tiện vận tải hạng nặng hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, các đơn vị phát triển hạ tầng KCN (như Becamex, VSIP…) chỉ quan tâm xây dựng nhà xưởng, hệ thống kho bãi cho thuê, nhưng đầu tư nhỏ giọt cho việc hoàn thiện hạ tầng giao thông chung, dẫn đến tình trạng hư đâu sửa đó, chắp vá các tuyến đường bị cày nát.

Trước tình hình trên, Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã trình phương án cấm xe container đi vào một số tuyến đường như một giải pháp tình thế.

Theo TS Phạm Sanh, ở các nước phát triển, không nước nào xe container chạy từng đoàn dài, lưu thông chung với các loại phương tiện khác. Các doanh nghiệp muốn đầu tư KCN phải đầu tư làm đường chuyên dùng riêng cho xe container, hoặc đường kết nối trực tiếp đến các bến cảng, ga tàu. Việc sớm đầu tư tuyến đường sắt nối thông các KCN của Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai xuống thẳng các cảng lớn như Cái Mép - Thị Vải là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Tin cùng chuyên mục