Bất an khi xe khách phát hỏa

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác liên tiếp xảy ra hỏa hoạn khi ô tô đang vận hành, khiến người tham gia giao thông có cảm giác bất an.

Nếu không tìm hiểu rõ nguyên nhân và có cách phòng tránh, nguy cơ này vẫn còn tiếp tục xảy ra; đặc biệt, đối với những xe khách đường dài luôn có rất đông hành khách…

Bỗng dưng bốc cháy Khoảng 10 giờ 30 ngày 21-8, xe khách giường nằm mang biển số 76B-003.97 đang dừng ven đường Nguyễn Hậu, gần giao lộ Vườn Lài, quận Tân Phú, TPHCM, bất ngờ xe bốc cháy dữ dội. Lúc này, người dân phát hiện nên hô hoán rồi cùng tài xế dùng nước, bình chữa cháy dập lửa nhưng bất thành. Nhận được tin, Công an quận Tân Phú cùng lực lượng PCCC quận Tân Phú điều động hàng chục cán bộ chiến sĩ và phương tiện chữa cháy đến hiện trường. Khoảng 30 phút sau, ngọn lửa mới được dập tắt. Vụ cháy khiến chiếc xe bị thiêu rụi gần như hoàn toàn, may mắn không có thương vong về người.
Bất an khi xe khách phát hỏa ảnh 1 Hiện trường vụ cháy xe khách trên đường Nguyễn Hậu,  quận Tân Phú, TPHCM    Ảnh: CHÍ THẠCH
 Khoảng 11 giờ 30 ngày 2-6, tài xế điều khiển ô tô tải nhẹ lưu thông trên đường Trường Chinh, hướng về ngã tư An Sương. Khi đến trước số 116/4 đường Trường Chinh, phường Đông Hưng Thuận, quận 12,  thì có khói bốc từ bên trong xe. Lúc này, tài xế vội tấp xe vào sát dải phân cách với làn xe máy. Ngọn lửa nhanh chóng bùng cháy dữ dội, tài xế cùng người dân dùng nước và bình chữa cháy dập lửa nhưng bất thành. Nhận tin báo, Công an quận 12 phối hợp cùng lực lượng PCCC quận 12 điều phương tiện cùng cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.  Ít phút sau đám cháy dập tắt nhưng chiếc ô tô gần như bị thiêu rụi.
Trước đó, khoảng 13 giờ 10 ngày 22-5, tài xế điều khiển chiếc xe tải nhỏ 54U-2407 lưu thông trên đường 3 Tháng 2, hướng từ vòng xoay ngã sáu Dân Chủ, quận 3, về đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM. Khi xe còn cách đường Lê Hồng Phong vài chục mét thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Tài xế dừng xe rồi cùng người dân dùng nước, bình chữa cháy dập lửa. Một lúc sau, vụ cháy được dập tắt nhưng nhiều hàng hóa trên xe bị thiêu rụi. Vụ việc khiến giao thông qua khu vực ùn ứ kéo dài. Hay mới đây, vào sáng 28-6, ô tô khách giường nằm cao cấp 51B-088.44 do tài xế Nguyễn Đ.Q. (trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam, khi đến địa bàn xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) bất ngờ xảy ra cháy lớn từ phía đuôi xe, sau đó lửa lan nhanh ra diện rộng. Phát hiện sự việc, lái xe đã kịp thời dừng xe vào lề đường, đồng thời cùng người dân nhanh chóng di chuyển hành khách, tài sản trên xe ra ngoài an toàn. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, tuy nhiên thiệt hại lớn về tài sản. Thời điểm ô tô này bị cháy, trên xe có hàng chục hành khách, trong đó có nhiều trẻ em trên hành trình từ Nghệ An vào TPHCM… Thường xuyên kiểm tra phương tiện Tại sao ô tô tự bốc cháy và làm thế nào để điều đó không xảy ra? Theo các chuyên gia, xe cháy do nhiều nhóm nguyên nhân, như cháy do nhiên liệu, phụ gia sử dụng có pha thêm tạp chất; do hệ thống điện, hệ thống tản nhiệt, làm mát, xả khí không đảm bảo; do rò rỉ nhiên liệu; tác động của nhiên liệu do sử dụng vật liệu chế tạo làm các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu (đường ống dẫn nhiên liệu) bị hỏng. Ngoài ra, cháy còn do ảnh hưởng của kết cấu xe, cháy do cố ý, cháy do vận chuyển chất dễ cháy nổ… Để hạn chế tình trạng cháy nổ, các chủ phương tiện phải bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên. Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, việc chủ động phòng cháy ô tô là cần thiết để giảm thiểu rủi ro thiệt hại về người và tài sản. Trước khi xuất bến, chủ xe phải hướng dẫn hành khách cách thoát hiểm, như chỉ dẫn các cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, sử dụng búa phá cửa khi có sự cố, vị trí đặt bình cứu hỏa… Chủ phương tiện tuyệt đối không lắp đặt thêm trên xe các thiết bị điện, phụ kiện không đúng thiết kế của nhà sản xuất; khi để xe trong nhà, bãi giữ xe phải tắt khóa điện, khóa bình xăng, để xe cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mua xăng, dầu ở các điểm bán tự phát, không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng các biện pháp “tiết kiệm xăng” khi chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn, có thể gây hỏng xe hoặc dẫn đến nguy cơ cháy cao; không chứa các chất dễ cháy, dễ bắt lửa trong xe, cốp xe, khoang động cơ... Đặc biệt, các chủ phương tiện cần thường xuyên bảo dưỡng xe định kỳ để kịp thời phát hiện những chi tiết bị hỏng hoặc có dấu hiệu bất thường, thay thế những bộ phận hết niên hạn sử dụng, đặc biệt chú trọng kiểm tra thường xuyên hệ thống điện trên xe. Trong quá trình lưu thông, chủ phương tiện không để vật liệu dễ cháy như giấy, báo, rơm khô... cuốn vào bên trong khoang máy, nơi nhiệt độ luôn ở mức cao. Trong trường hợp không thể tránh, lái xe nên tắt máy điều hòa, hạ cửa kính khi đi qua đoạn đường có phơi rơm; sau khi đi qua, nên dừng xe xuống kiểm tra, gỡ rơm rạ cuốn vào gầm xe và bám gần ống xả (nếu có) để tránh xe có thể bốc cháy. Các chủ phương tiện, lái xe, phụ xe rất cần tự trang bị hoặc đăng ký tham gia các lớp tập huấn về PCCC để có kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC, kịp thời xử lý khi tình huống cháy nổ xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Những kỹ năng thoát hiểm 
Hành khách không nên hoảng sợ, la hét… mà phải thật bình tĩnh để tìm hướng thoát khỏi xe một cách nhanh nhất khi phương tiện phát hỏa. Nếu ngồi xa cửa thoát hiểm, hãy quan sát và tìm vật cứng đập bể kính xe, sau đó thoát ra ngoài. Làm ướt khăn hoặc áo để bịt mũi và 1 phần của mắt nhằm tránh hít khói gây ngạt và cay mắt.
Nếu thoát được ra ngoài và xác định vụ cháy không lớn lắm thì cố gắng dập lửa, giúp người khác thoát ra ngoài; còn nếu vị trí cháy quá lớn phải tránh thật xa, đề phòng phương tiện bị nổ, sau đó lập tức gọi lực lượng cứu hỏa.

Tin cùng chuyên mục