Bảo vệ quyền tác giả trong thời đại công nghệ số: Thách thức khó “nhằn”

Kỷ nguyên số, Internet đã và đang đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội, dễ dàng tiếp cận đến tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào do người dùng tự lựa chọn. 

Tuy nhiên cùng với đó, nó đặt ra những thách thức là làm sao bảo hộ được quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tổ chức phát sóng nói riêng trong môi trường số, Internet.

Kêu cứu vì vi phạm bản quyền

Trong thời đại công nghệ số, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin thì tội phạm công nghệ cũng phát triển tương ứng.

Trên môi trường số, mức độ vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc nghiên cứu, xem xét các giải pháp ngăn chặn, hạn chế vi phạm là những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Có thể nói, sự vi phạm xuất hiện trong khá nhiều mảng như: tin tức trên báo chí, chương trình thể thao, âm nhạc, phim ảnh…

Theo số liệu thống kê gần đây của hệ thống phát thanh - truyền hình (PT-TH) Việt Nam với 64 đài Truyền hình và đài PT-TH tỉnh thành… cùng nhiều chương trình TH của các cơ quan báo chí, thông tấn cho thấy, hầu hết các kênh TH đều thực hiện truyền sóng trên Internet cũng bị vi phạm bản quyền trầm trọng.

Việc xem hoặc tải miễn phí các bộ phim, bài hát, nội dung phát sóng các chương trình TH... từ các trang web bất hợp pháp diễn ra nhan nhản, khiến thu nhập cũng như tâm huyết sáng tạo của các tác giả, nghệ sĩ xuống dốc không phanh.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Trưởng bộ phận Sở hữu trí tuệ, Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), một trong những đơn vị nơm nớp đối mặt với nạn vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, khẳng định tình trạng này hiện hiện nay khá nghiêm trọng. Nhiều chương trình phải chi kinh phí lớn mua bản quyền nhưng lại bị đài khác thu lại phát sóng mà không trả phí bản quyền; nhiều chương trình đặc sắc bị sao chép, phát tán tràn lan trên internet, in băng đĩa bán trên thị trường...

Gần đây nhất, khi đang phát sóng World Cup 2018, VTV đã phải có đơn kêu cứu gửi lên Bộ Thông tin - Truyền thông vì đã phát hiện gần 850 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng trên Internet, trong đó phần lớn là các trang mạng xã hội.

Không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà với phim truyền hình, các chương trình giải trí lớn cũng đều phải đối mặt với vấn nạn này. Theo VTV, đơn cử như tối 18-9, ngay cùng lúc tập mới nhất bộ phim đang rất thu hút khán giả là Quỳnh búp bê được phát sóng trên kênh VTV3 thì hàng loạt tài khoản trên mạng xã hội cũng phát trực tiếp tập phim này với độ chênh lệch thời gian chỉ khoảng vài giây.

Bảo vệ quyền tác giả trong thời đại công nghệ số: Thách thức khó “nhằn” ảnh 1 Nhiều chương trình truyền hình thiệt hại vì bị vi phạm 
bản quyền
Chất lượng từ thấp đến cao, thậm chí, để nguyên cả logo kênh phát sóng, lượt xem trực tiếp lên đến hàng chục ngàn người. Nhiều chương trình khác cũng bị phát hiện tự ý cắt hoặc chèn quảng cáo như Gặp nhau cuối năm, Đồ Rê Mí, Theo Voice…

Và ngay trong những ngày này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng vừa có công văn gửi Công ty CP Sky Music, cảnh cáo về hành vi xâm phạm bản quyền.

Từ đầu năm 2017, VCPMC phát hiện Sky Music tự ý sử dụng số lượng lớn tác phẩm âm nhạc của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên trung tâm, để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc và các ứng dụng nghe nhạc.

Công ty này tuyên bố là nhạc thuộc các dự án này đều có bản quyền gồm quyền liên quan của ca sĩ, nhà sản xuất và cả quyền tác giả. Nhưng thực tế là họ đã không xin phép tác giả, cũng không xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả thông qua VCPMC. Hơn 90% tổng số bản ghi mà Sky Music sử dụng là bất hợp pháp. Trong đó, những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm bị vi phạm nhiều là Quốc An, Only C, Nguyễn Văn Chung…

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, việc vi phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam diễn biến phức tạp là do mối lợi thu được quá lớn. Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế.

Do đó, nhiều vi phạm bản quyền công khai trên môi trường số đã bị đối tác quốc tế xử lý, gây thiệt hại cho tổ chức phát sóng và sau đó người bị thiệt hơn cả là người dân trong nước khi không có cơ hội được tiếp cận với các giải đấu lớn, những bộ phim hay.

Theo bản khảo sát về vi phạm bản quyền vừa được công bố gần đây, nguồn để nuôi sống các website vi phạm bản quyền đến từ các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo. Nội dung của các quảng cáo này lại phần lớn độc hại như văn hóa phẩm đồi trụy, đánh bạc, sản phẩm không được kiểm duyệt, phần mềm độc hại.

Năm 2018, trong bảng xếp hạng chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế hàng năm lần thứ 6, Việt Nam đạt 13,19/40 điểm, xếp thứ 40/50 nền kinh tế được đánh giá.

Tổng điểm của Việt Nam tăng từ 30% trên tổng điểm có thể đạt được (10,34 trên thang điểm 35) trong lần đánh giá thứ 5, lên 33% (13,19 trên thang điểm 40) trong lần thứ 6. Tuy nhiên, các chỉ số liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đều ở mức thấp.

Giữa 2 lần đánh giá, nhóm quyền tác giả và quyền liên quan của Việt Nam là 1,28/7, xếp 50/50 trong bảng xếp hạng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực được khảo sát như Thái Lan (2,28), Philippines (1,78).

Dẫu vậy, phần lớn người dân Việt vẫn rất vui vẻ với thói quen sử dụng “chùa”, dẫn tới thu nhập của những người làm công việc sáng tạo như nhạc sĩ, ca sĩ, các đơn vị sản xuất và phát hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập cũng như doanh thu.

Vì thế, theo ông Nguyễn Quang Đồng, bên cạnh việc hoàn thiện và siết chặt các chế tài, một trong biện pháp quan trọng khác là chặn dòng tiền quảng cáo vào các nền tảng xâm phạm bản quyền số.

Các hiệp hội có thể công khai danh sách các website vi phạm và thông tin đến các đại lý quảng cáo hoặc đưa vào “danh sách đen” để nêu tên các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên website vi phạm. Chỉ khi chặn được dòng tiền quảng cáo vào các nền tảng này, việc kiểm soát sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số cũng như bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng mới có thể được thực thi.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL, cho rằng, cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả xã hội và phải có những giải pháp đồng bộ để hạn chế vi phạm, từ hoàn thiện thể chế, pháp luật, đến sự vào cuộc của truyền thông… đảm bảo hệ thống thực thi pháp luật ở mức độ cao, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội.

Thực tế, việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác xử lý, giải quyết và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, chưa đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, chế tài xử lý còn nhẹ nên chưa thể hiện được tính răn đe, cảnh báo.

Cũng theo nhiều chuyên gia am hiểu lĩnh vực này, việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam tuy phổ biến nhưng khi xảy ra tranh chấp, hầu hết các vụ việc đều được giải quyết bằng xử phạt hành chính, chứ ít có vụ việc được đưa ra tòa.

Thêm nữa, tâm lý “được vạ thì má sưng”, không tiến hành các thủ tục thu thập chứng cứ pháp lý để khởi kiện cũng khiến nhiều vụ việc bị chìm xuồng. Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục lên tiếng để hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ.

Trong lộ trình đề xuất sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, cục sẽ đề xuất dự thảo sửa đổi theo hướng xây dựng luật bản quyền tác giả độc lập, phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng giống như một số quốc gia khác, đề xuất xây dựng luật bản quyền tác giả riêng.

Tin cùng chuyên mục