Bảo vật quốc gia được “vệ sinh” bằng nước rửa chén, bột chu, giấy nhám…

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vừa có công văn 197/MTNATL báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện về nội dung kiểm tra công tác bảo quản bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, trong đó có đoạn nói rõ việc tác phẩm nghệ thuật này được "vệ sinh" bằng nước rửa chén và bột chu, giấy nhám...

Theo đó, về nội dung kiểm tra hồ sơ, kế hoạch, nội dung bảo quản, phòng ngừa tác phẩm, Phòng Kiểm kê - Bảo quản Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã xây dựng kế hoạch bảo quản, phòng ngừa tác phẩm, tuy nhiên, kế hoạch này không ghi rõ ngày, tháng, năm lập kế hoạch.

Văn bản dự trù kinh phí vệ sinh bảo quản phòng ngừa tác phẩm đề ngày 15-7-2018. Trong đó, cả kế hoạch và dự trù kinh phí đều xác định công việc là tháo tranh ra khỏi khung, kiểm tra, gia cố lại khung và làm vệ sinh bề mặt tranh và mặt sau của tranh.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng đã có Tờ trình số 139/TTr- BTMT ngày 20-8-2018 về việc vệ sinh, bảo quản, phòng ngừa tác phẩm.
Sở VH-TT TPHCM có công văn 4171/SVHTT-QLDSVH ngày 28-8-2018 chấp thuận chủ trương việc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM thực hiện bảo quản phòng ngừa tác phẩm. Công việc bảo quản phòng ngừa, vệ sinh tác phẩm sau đó đã được Bảo tàng giao ông Lưu Minh Phụng, thợ sơn mài ở TPHCM thực hiện.
“Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Lưu Minh Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp (giấy nhám) 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh...”, công văn báo cáo nêu.
Xét ở góc độ hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm, do bị tác động vào bề mặt làm mất đi lớp sơn bề mặt của tác phẩm nên sự uyển chuyển, tinh tế liên kết giữa các mảng son, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí.

Xét ở góc độ hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm đã bị hư hại khoảng trên 30%.

Ở góc độ hư hại về vật chất, theo đánh giá, các mảng vỏ trứng bị mài mòn, bị trơ ra, trắng bệch, trắng vôi, mảng dát vàng bị mài mòn; nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, trơ, mất đi sự tinh tế uyển nhã đan xen giữa mảng và nét. Theo đoàn kiểm tra, góc độ hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm khoảng 15%.

Bảo vật quốc gia được “vệ sinh” bằng nước rửa chén, bột chu, giấy nhám… ảnh 1 Được "vệ sinh" bằng nước rửa chén và bột chu, giấy nhám..., bảo vật quốc gia đã bị hư hại khó khắc phục
Trên cơ sở đánh giá thực tế, công văn báo cáo lãnh đạo Bộ cũng nhấn mạnh một số đề xuất, kiến nghị: “Tác phẩm tranh sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là bảo vật quốc gia nên cần phải lưu giữ, bảo quản, ứng xử ở chế độ đặc biệt”.

Đề nghị Sở VH-TT TPHCM chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM lập dự án tu sửa tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc một cách thận trọng, khoa học, khắc phục sự hư hại hiện tại ở mức độ tốt nhất.

Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng mức độ hư hại theo đánh giá của các họa sĩ sơn mài uy tín và của Hội đồng khoa học, Bảo tàng cần xây dựng phương án và giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh; giao việc tu sửa phục hồi tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, là người đã trực tiếp làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, hoặc họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề làm tranh sơn mài. Công việc tu sửa, phục hồi cần có sự phối hợp giám sát của Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Báo cáo cũng đề nghị lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cần rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công tác bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với hiện vật bảo tàng, đặc biệt với hiện vật là bảo vật quốc gia...

Cũng tại công văn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kiến nghị Cục Di sản Văn hóa sớm tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.  

Tin cùng chuyên mục