Băn khoăn xe buýt mini

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM (trung tâm) đang nghiên cứu đề án đưa khoảng 200 - 250 xe buýt mini loại 12 - 16 chỗ ngồi, triển khai thí điểm vận chuyển khách ở các tuyến hẻm. Việc này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Buýt mini “gom” khách

Hiện đề án đang hoàn chỉnh các khâu cuối và sẽ trình lấy ý kiến của Sở GTVT và UBND TPHCM trong thời gian tới. Theo đề án, TPHCM có khoảng 46% đường hẻm nhỏ dưới 6m, 85% dân cư của thành phố sống trong hẻm.

Với đặc thù như vậy, xe buýt thông thường không thể vào được nên người dân khó tiếp cận, vì vậy mở các tuyến buýt mini để người dân thuận tiện trong việc đi xe buýt. Nếu dự án được thông qua, trung tâm sẽ mở 30 tuyến buýt mini với khoảng 200 - 250 xe, loại 12 - 16 chỗ ngồi. Xe có thể đón khách ở các hẻm rộng từ 4 - 6m.

Mục tiêu của các tuyến buýt mini là “gom” người dân tại các hẻm nhỏ trong bán kính 200m để di chuyển ra các tuyến đường chính có hệ thống giao thông công cộng (xe buýt lớn) đi qua.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, đại diện nhóm nghiên cứu đề án, cho biết: “Việc đưa xe buýt mini vào hoạt động ở các khu vực đường nhỏ là lấy ý tưởng từ Hồng Công (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines. Lý do mở thêm các tuyến xe buýt mini ở TPHCM là năm 2017, hệ thống giao thông công cộng của TP mới đáp ứng 9,8% nhu cầu đi lại của người dân và năm 2018 dự kiến tăng lên 10,8%. Nếu tăng chậm như thế, sẽ khó đạt tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng 30% - 40% như TP mong muốn nhằm giúp giảm ùn tắc giao thông".

Do đó, PGS-TS Phạm Xuân Mai đề xuất : "Để giảm ùn tắc giao thông, Sở GTVT có đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân. Trong đề án này có một nhánh nhỏ nhóm nghiên cứu đề xuất tăng cường năng lực giao thông công cộng với mục tiêu làm sao để người dân tiếp cận với giao thông công cộng nhiều hơn. Ở TPHCM, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, điều tra có đến 85% dân số TP (trên tổng số 10 triệu dân) sống trong các khu vực dân cư có đường nhỏ 3 - 6m, tiếp cận với xe buýt rất khó. Qua khảo sát, có 86% người dân muốn làm sao được gần trạm xe buýt, hệ thống xe buýt trong quãng đường 200m đi bộ".

"Như vậy, để giải quyết nhu cầu này, có thể đưa loại xe buýt cỡ nhỏ tương tự như xe lam trước đây vào hoạt động. Đây là loại xe hoạt động trong các đường nhỏ, hẻm nhỏ, chạy một chiều (chạy vòng) theo lộ trình nhất định, không giao cắt với đường lớn và chỉ trung chuyển khách trong các tuyến đường nhỏ ra các trạm xe buýt ở đường lớn để đưa người dân đi tiếp”, PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh.

Băn khoăn xe buýt mini ảnh 1 Xe buýt nhỏ tuyến 37 . Ảnh: THÀNH TRÍ
PGS-TS Phạm Xuân Mai cũng cho rằng, xe buýt nhỏ chở 12 người chỉ chiếm diện tích 1,5 - 1,8m2, thay cho 12 xe máy chiếm 18m2 khi chạy trên đường nên không gây tắc đường. Hành khách cũng lên xuống dễ dàng ở phía sau xe và xe chạy liên tục trong hẻm với tần suất 5 phút/chuyến, không có trạm dừng. Người dân có nhu cầu đi lại chỉ cần vẫy tay là tài xế dừng đón. Vé xe buýt mini là vé liên thông (chưa xác định giá vé). Tỷ lệ đầu tư loại xe buýt mini này khoảng 500 - 600 tỷ đồng với khoảng 3.000 xe buýt mini.

Thêm dịch vụ không có nghĩa có thêm khách

Ở chiều ngược lại, những người không đồng ý với đề án đầu tư xe buýt mini cho rằng, nhiều tuyến hẻm ở TPHCM có thể sâu, nhưng khó có hẻm nào sâu quá bán kính 1km. Mà trong vòng bán kính 1km, nếu đường đi thuận tiện, hẻm sạch, thông thoáng, ra tới đường có vỉa hè bằng phẳng, cây xanh che mát… thì chuyện đi bộ tới trạm xe buýt là hoàn toàn có thể.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc đi bộ vài cây số để tới trạm xe buýt, metro… rất bình thường. TPHCM đã và đang xây dựng các tuyến phố văn minh, sạch đẹp, “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ. Nếu làm tốt được việc này, người dân sẽ không ngại đi bộ để đến với xe buýt.

Số tiền 500 - 600 tỷ đồng để đầu tư xe buýt mini có thể dùng đầu tư, cải tạo lại hệ thống vỉa hè, nâng cấp các tuyến hẻm, trồng cây xanh hoặc làm các giàn dây leo che nắng… để người dân tiếp cận xe buýt lớn thuận tiện hơn.

Chưa kể, tạo thói quen đi bộ cho người dân cũng chính là hướng tới lối sống lành mạnh, giảm lượng xe cơ giới hoạt động trong hẻm sâu - nơi dân cư sinh sống đông đúc - sẽ giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.

Đặc tính của hẻm là không có vỉa hè, nhà người dân tiếp cận trực tiếp với hẻm. Xe buýt mini đi trong hẻm không cẩn thận rất có thể gây tai nạn vì với nhiều trẻ em vui chơi trước cửa nhà, là nơi người lớn có thể bắc ghế ngồi thư giãn…

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, thay vì triển khai đề án xe buýt mini gom khách trong hẻm, TP nên triển khai xe loại này đưa rước học sinh như nhiều đơn vị vận tải đang làm rất hiệu quả. Xe buýt mini có thể đưa đón học sinh tận nhà, sẽ giúp các phụ huynh yên tâm hơn.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, đề xuất của Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật TPHCM sẽ được xem xét trong tổng thể các vấn đề về giao thông. Sở GTVT TPHCM sẽ tham khảo Bộ GTVT và lấy thêm ý kiến của người dân, các chuyên gia trước khi trình UBND TPHCM xem xét.

Hiện nay, TPHCM mới đổi mới được khoảng 1.000 xe buýt. Hơn 1.000 xe còn lại đã cũ, cần thay mới nhưng chưa có kinh phí. TPHCM đã có chủ trương hỗ trợ lãi vay đầu tư xe buýt cho các đơn vị vận tải nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tiền trợ giá cho xe buýt hoạt động đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, vì bị kẹt trong dòng xe cá nhân, có đến hơn 50% xe buýt của TPHCM không đảm bảo lộ trình.

Nhiều hành khách “thân thiết” của xe buýt đã phải bỏ xe buýt vì điều này. Do vậy, nếu không tập trung đầu tư, nâng chất hệ thống xe buýt hiện hữu thì có đầu tư thêm xe buýt mini cũng khó thu hút hành khách, vì theo đề án trên, xe buýt mini chỉ đưa khách ra tới các trục đường chính. Phần phục vụ hành khách ở các tuyến đường lớn vẫn do xe buýt hiện hữu đảm trách. 

Tin cùng chuyên mục