Băn khoăn thuế tài sản

Tại “Hội thảo khoa học khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa tổ chức, một số chuyên gia đã chia sẻ quan điểm cho rằng “thuế tài sản” là một tên gọi khá “mờ”.

TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) phân tích: “Hầu như trên thế giới không có quốc gia nào gọi là thuế tài sản, chỉ có một vài nước gọi là thuế tài sản cố định, còn không thì đều gọi tên rất rõ như thuế đất đai, thuế nhà ở, thuế tài sản ròng”. Riêng về thuế bất động sản, TS Vũ Sỹ Cường cho hay, đóng góp trung bình của thuế bất động sản vào GDP các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 2,12%, tại các nước đang phát triển là 0,6%, tại các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Tính trung bình tất cả các quốc gia là 1,04% GDP… 

Bàn sâu hơn về ảnh hưởng của sắc thuế này một khi được áp dụng, TS Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế quốc dân) ước tính, thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng (giảm 0,9%), giảm chi tiêu thực tế (giảm 0,7%).

Cụ thể, dựa trên số liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016” (do Tổng cục Thống kê thực hiện với 9.399 hộ gia đình tại 6 vùng địa lý, bao gồm cả nông thôn và thành thị), ông Nguyễn Việt Cường đưa ra 3 kịch bản thuế tài sản với các ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng; với thuế suất 0,3% và 0,4%.

Theo đó, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp bằng 0,66% tổng thu nhập, mức chi tiêu giảm đi bằng 0,27% tổng chi tiêu. Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp bằng 0,89% tổng thu nhập, mức chi tiêu giảm đi bằng 0,36% tổng chi tiêu.

Đối với ngưỡng 1 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp bằng 0,61% tổng thu nhập, mức chi tiêu giảm đi bằng 0,25% tổng chi tiêu. Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp bằng 0,82% tổng thu nhập, mức chi tiêu giảm đi bằng 0,34% tổng chi tiêu.

Đối với ngưỡng 2 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp bằng 0,53% tổng thu nhập, mức chi tiêu giảm đi bằng 0,22% tổng chi tiêu. Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp bằng 0,72% tổng thu nhập, mức chi tiêu giảm đi bằng 0,29% tổng chi tiêu.

Ông Cường nhận định, phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình. Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động tương đối đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao.

“Thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng, giảm chi tiêu thực tế. Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp. Các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn các gia đình bình thường. Các nhóm dân tộc Kinh, Tày, Mường chịu ảnh hưởng lớn hơn các nhóm dân tộc khác”, TS Cường cho biết.

Cơ bản đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nói thêm, nếu thuế tài sản được ban hành như dự thảo hiện nay thì sẽ giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình; nhưng không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị “nghèo” đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. 

Từ những số liệu và lập luận trên, một số chuyên gia nhìn nhận, đây không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục