Bàn cách để du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát triển

Hội tụ nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, sự liên kết, gắn kết giữa các địa phương chưa hiệu quả, chưa thực sự chặt chẽ.... là nội dung được các đại biểu mổ xẻ tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” tổ chức ở TP Huế sáng 16-2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, 19 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, du lịch… tham dự.

Sản phẩm du lịch đơn điệu và trùng lặp 

Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1. Là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên.

Toàn khu vực còn có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là nơi tập trung 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt; là địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của Việt Nam. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2017 - 2018 cho rằng, dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, du lịch miền Trung - Tây nguyên phát triển chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Trong đó nổi lên những tồn tại đáng lưu ý như: lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp, chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp, hệ thống hạ tầng du lịch còn hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu. Tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù…

Theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị, du lịch miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thể hiện qua việc khai thác thô tài nguyên du lịch; sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương; thiếu dịch vụ đi kèm, hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, giao thông, phương tiện vận chuyển khách, xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu… Hiệu quả hoạt động phát triển du lịch, nhất là về thu nhập và tạo việc làm cho xã hội còn hạn chế. Tính riêng năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt hơn 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Nhưng miền Trung - Tây Nguyên chỉ đón khoảng 58 triệu lượt khách; khách quốc tế hơn 9,5 triệu lượt; tổng thu 120.000 tỷ đồng, chiếm 18,75% tổng thu du lịch cả nước.

Cần đổi mới tư duy

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch vùng miền Trung - Tây Nguyên; đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ở khu vực này. PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để du lịch miền Trung - Tây Nguyên đột phá phát triển, cần từ bỏ tư duy quy hoạch “mặt tiền”, mở ra tư duy liên kết du lịch “biển, hải đảo - rừng, núi”. Nối duyên hải với Tây Nguyên theo từng cụm phát triển du lịch, như:  Cụm duyên hải phía Bắc - Tây Nguyên, lấy Đà Nẵng làm trụ và Cụm duyên hải phía Nam - Tây Nguyên, lấy Nha Trang làm trụ.

Tập trung phát triển “cánh gà” du lịch phía Bắc đèo Hải Vân, tạo chuỗi du lịch Lăng Cô, Chân Mây (đô thị biển hiện đại) - Huế (cố đô) - Bạch Mã (Núi) - Quảng Trị (lịch sử - văn hóa) - Quảng Bình (kỳ quan thiên nhiên), phối hợp với “cánh gà” phía Nam Hải Vân với chuỗi du lịch Đà Nẵng - Hội An - Bà Nà - Mỹ Sơn, tạo thành vùng du lịch đẳng cấp cao của thế giới. Ưu tiên khai thác tài nguyên du lịch văn hóa - tâm linh chứ không đơn thuần nhấn mạnh khía cạnh di sản lịch sử - chiến tranh… Song để tạo tiền đề và cơ hội bứt phá phát triển cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên cần có sự đổi mới tầm nhìn, cải cách thể chế, giải tỏa những điểm nghẽn quốc gia của ngành du lịch Việt Nam. Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết cho các địa phương chủ động tổ chức phối kết hợp với nhau; cần có nhiều chính sách phù hợp cho phát triển du lịch, như chính sách thị thực để thu hút du khách các nước trên thế giới...

Trích câu nói của một người nước ngoài rằng: "Người Việt rất thông minh nhưng lại dễ hài lòng, không dám dấn thân trừ khi hoàn cảnh bắt buộc", PGS-TS Trần Đình Thiên đề xuất Chính phủ, các bộ ngành cần đặt nặng trách nhiệm, bắt buộc, phải gây áp lực liên tục với các địa phương mới may ra đổi mới được tư duy. Cần gia tăng áp lực chứ không nên tặng nhiều lời khen. Còn TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lại ví von: “Miền Trung như máng xối, còn Tây Nguyên như mái của một ngôi nhà. Hai vùng này liên kết với nhau thì du lịch sẽ có sự bứt phá rất lớn”. TS Trần Du Lịch nêu một số kiến nghị liên quan đến chính sách và cơ chế tạo động lực nhằm phát huy thế mạnh kinh tế ven biển của vùng duyên hải miền Trung, trong đó có mũi nhọn về phát triển ngành du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là hội nghị mang tầm quốc gia, có yếu tố quốc tế với sự có mặt nhiều cơ quan, bộ ngành, đại biểu, doanh nghiệp lớn… Điều này nói lên quy mô, tầm quan trọng và vị thế của du lịch miền Trung - Tây Nguyên. Thủ tướng nhấn mạnh về tiềm năng phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên, là nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch: biển đảo, di tích lịch sử, sinh thái, núi rừng, hang động, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận...

Nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch, trong đó các dịch vụ vui chơi giải trí còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến tài nguyên du lịch bị tàn phá… Thủ tướng đưa ra 5 câu hỏi yêu cầu ngành du lịch cần sớm có lời giải: Làm thế nào để du khách đến Việt Nam đông hơn? Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn? Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm thế nào để du khách kể lại câu chuyện du lịch tại Việt Nam với ấn tượng tốt đẹp? Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể? Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; các điểm đến; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…

Vừa là một đối tác vừa là cạnh tranh

Để du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên phát huy hiệu quả, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị các địa phương cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch. Trong đó, mỗi địa phương vừa là một đối tác vừa là cạnh tranh để phát huy lợi thế. Quan trọng là xác định yếu tố đặc thù từng địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tạo thành hình ảnh tổng thể của sản phẩm du lịch đặc trưng từng vùng kết hợp đan xen, bổ trợ cho các khu vực tạo thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Bộ trưởng cho rằng, cần sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư để dẫn dắt và tạo ra sự bứt phá; chính quyền địa phương mỗi tỉnh thành cũng cần tập trung cải thiện triệt để môi trường du lịch, bảo đảm xanh - sạch - đẹp văn minh thân thiện. Cộng đồng địa phương từng nơi phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm và nét đẹp của dân tộc trong ứng xử văn minh du lịch; trong giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo đến bạn bè quốc tế.

Hơn 30.000 tỷ đồng đầu tư cho du lịch miền Trung - Tây Nguyên

Tại hội nghị, có 15 doanh nghiệp được trao quyết định chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hội nghị cũng đặt ra nhiều kỳ vọng về chính sách cho liên kết vùng với 10 kiến nghị về chính sách đến Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp châu Âu đồng hành để du lịch Việt Nam phát triển

Ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đang chú trọng xây dựng  “Thành phố thông minh” và “Du lịch thông minh”, cần hướng tới công nghiệp 5.0, phát triển nền kinh tế thông minh trong tương lai nên các địa phương cần phải nắm bắt xu hướng để có những giải pháp phát triển phù hợp. Các doanh nghiệp châu Âu cam kết sẽ tiếp tục đồng hành đầu tư phát triển lâu dài tại Việt Nam và đặc biệt tại vùng miền Trung - Tây Nguyên.

 VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục