Bài học từ World Cup

Cũng là âm nhạc, múa và những bài phát biểu nhưng lễ khai mạc World Cup chỉ gói gọn chưa đầy 30 phút. Không phải ai cũng biết trước 30 phút ngắn ngủi ấy là hơn 3 năm trời, nước Nga đã phải làm việc cật lực để đưa con tàu mang tên World Cup 2018 về đúng ga, khởi đầu cuộc hành trình vinh quang kéo dài chỉ hơn 30 ngày.

World Cup là một trường học vĩ đại cho mọi nền bóng đá. Từ công tác tổ chức đến việc khai thác kinh doanh. Đó là một cỗ máy tiêu tiền khổng lồ nhưng cũng kiếm tiền khủng khiếp. Tiếp cận được công nghệ ấy và học hỏi từ nó, là một công việc không hề đơn giản với những quốc gia kém phát triển về bóng đá như Việt Nam. Bởi có nhiều khoảng cách về trình độ lẫn năng lực hấp thụ. Nhưng việc dùng World Cup như một tấm gương để soi lại mình, vẫn luôn là việc nên làm.

Cứ mỗi dịp World Cup, luôn có phái đoàn của VFF tham gia. Một vài ngày ngắn ngủi có lẽ cũng chẳng tiếp nhận được gì. Thật ra không chỉ có World Cup, hàng năm VFF đều tổ chức đưa người tham gia nhiều hoạt động bóng đá lớn tại châu Á và thế giới. Nếu mỗi chuyến đi như vậy được tích lũy đều đặn thì hẳn sẽ có nhiều điều bổ ích dành cho bóng đá Việt Nam.

Nhưng trên thực tế, khó có thể nói VFF đã áp dụng được gì từ các bài học ấy. Hãy bắt đầu từ các sân bóng, nơi vẫn được xem là “thiên đường” của các cổ động viên (CĐV). Tại V-League hiện nay, chỉ mới có 3/10 sân lắp được ghế ngồi ở khán đài B, vốn thường không có mái che. Mưa thì chịu ướt, nắng thì chịu nóng, đi xem bóng đá vì thế rất khổ. Trong khi đó, tiêu chí số 1 để FIFA trao quyền đăng cai World Cup chính là hệ thống sân bãi. Xây mới hay tu sửa không quan trọng, cái chính là khán giả phải cảm nhận được sự thoải mái khi đến sân, từ chuyện giao thông cho đến chỗ ngồi. Có thoải mái thì mới dồn hết sự tập trung cho trận đấu được.

World Cup thường được xem là cỗ máy kiếm tiền. Dự báo FIFA sẽ có lợi nhuận lên đến 2,4 tỷ USD trong 4 năm (2015-2018) thông qua việc tổ chức World Cup 2018. Nhưng các nhà kinh doanh của FIFA không phải là “phù thủy” để phù phép cho đồng tiền nhân đôi, nhân ba. “Cỗ máy” World Cup được vận hành bởi nguồn nhiên liệu mang tên khát vọng chiến thắng và tinh thần dân tộc. Mỗi đội bóng có mặt ở ngày hội lớn nhất hành tinh này đều mang theo sự kỳ vọng của người dân nước họ. FIFA có lý do để nâng số lượng đội dự World Cup vào năm 2026 bởi khác với giải đấu cấp CLB, ở World Cup, mỗi đội bóng đều có hàng triệu người ủng hộ mà không đòi hỏi gì nhiều ở các cầu thủ. Với họ, chỉ cần đội tuyển ra sân vì màu cờ sắc áo là đủ. Thêm đội bóng là thêm tiền bản quyền truyền hình, là tăng doanh thu từ du lịch, là sự quảng bá World Cup vô cùng hiệu quả mà không thêm chi phí.

Tạo ra một cá tính, một bản sắc và tinh thần cho bóng đá là điều mà Việt Nam vẫn chưa làm được. Khán giả chỉ như một phần đứng bên lề quá trình phát triển các đội bóng ở Việt Nam, kể cả với đội tuyển quốc gia. Những nhà quản lý bóng đá vẫn chưa tìm ra được sự kết nối giữa các CĐV và hoạt động kinh doanh. Kết quả là những khán đài V-League luôn có nguy cơ trống vắng, còn các CLB thì chỉ vá víu bằng việc thuê người mặc áo, cầm cờ vào sân… tạo hình ảnh, không thể mong đợi gì cái ngày mà CLB tổ chức tour đưa CĐV đi đến sân khách để vừa du lịch vừa cổ vũ đội nhà. Và tất nhiên, sẽ chẳng thể nào có một thị trường bản quyền truyền hình bóng đá đúng nghĩa.

Kể từ khi tổ chức thành công Asian Cup 2007 đến nay, vai trò của VFF trong các tổ chức như AFC hay FIFA cũng lớn dần, đồng nghĩa có nhiều chuyến xuất ngoại học hỏi hơn. Thế nhưng sự phát triển của bóng đá nội địa lại không tỷ lệ thuận mà một trong những nguyên nhân có thể xuất phát từ sự thiếu ổn định ở bộ máy quản lý. Cứ mỗi kỳ đại hội VFF là gần như thay đổi toàn bộ nhân sự sau những màn đấu đá hậu trường, trong khi mỗi nhiệm kỳ chỉ 4 năm, có học hỏi được gì thì cũng chẳng áp dụng thành công.

Tin cùng chuyên mục