Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng nền kinh tế

Bài 4: Tạo lập môi trường thuận lợi đầu tư, kinh doanh

Nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty May 10. Ảnh LÃ ANH
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty May 10. Ảnh LÃ ANH

Làm gì để khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành động lực quan trọng nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW khi hàng loạt khó khăn đang bủa vây? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, về vấn đề này.

* PV: Thưa đồng chí, Nghị quyết số 10-NQ/TW về KTTN vừa được ban hành có ý nghĩa ra sao?

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 50-60% GDP.
* Đồng chí CAO ĐỨC PHÁT: Trong hơn 30 năm qua, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức và đề ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển KTTN. Việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thống nhất quan điểm chỉ đạo, đưa ra những giải pháp hữu hiệu để KTTN là một động lực quan trọng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này là nhằm góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết số 10-NQ/TW nêu rõ 6 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, 3 nhóm mục tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển KTTN làm cơ sở để tiếp tục đổi mới nhận thức, tăng cường các giải pháp, hành động cụ thể.

* Làm thế nào để KTTN hoạt động tương xứng với khả năng và nguồn lực đóng góp, thưa đồng chí?

* Chúng ta cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KTTN. Phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của KTTN trong phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với khắc phục hiệu quả những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển KTTN.

Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN thông qua bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của KTTN theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hỗ trợ sản xuất kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận thuận lợi các nguồn lực. Cùng với đó là thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự; khuyến khích thành lập doanh nghiệp tư nhân; thu hẹp những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện để KTTN đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm. Bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTN phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của KTTN. Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, nhất là vốn, đất đai, tài nguyên, cơ hội kinh doanh; tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

* Theo tinh thần nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ KTTN phát triển ra sao?

* Nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ KTTN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến; áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để bảo đảm KTTN phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả, đúng pháp luật và mục tiêu, định hướng của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh và tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, nhất là về thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết tranh chấp, tố tụng, xét xử, thi hành án, phá sản… Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại, dân sự.

* Ban Kinh tế Trung ương có những giải pháp nào để thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện nghị quyết; sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư?

* Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình thực hiện nghị quyết, nhất là thể chế hóa các chủ trương của Đảng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về phát triển KTTN. Đồng thời tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết thông qua kiểm tra, giám sát hàng năm; thường xuyên nắm bắt, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết ở các bộ ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan để kịp thời báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc thực hiện nghị quyết. Trong quá trình giám sát thực hiện nghị quyết, Ban Kinh tế Trung ương không chỉ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước mà còn phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các nhóm cộng đồng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp.  

Ban Kinh tế Trung ương cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nghị quyết và tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết.

* Xin cảm ơn đồng chí.

Tin cùng chuyên mục