Bài 3: Chuẩn hóa cán bộ quy hoạch

Theo đánh giá của Thành ủy TPHCM, qua kiểm tra 100% cán bộ được quy hoạch cấp ủy đều đạt chuẩn có trình độ đại học trở lên, sau quy hoạch nhiều cán bộ được cử đi đào tạo đại học văn bằng 2, thạc sĩ và bồi dưỡng cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời nhiều cán bộ đã tự học để nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, số cán bộ trong quy hoạch hiện nay còn một số hụt hẫng về trình độ chính trị, đây tiếp tục là bài toán khó với nhiều cấp ủy hiện nay.
Bài 3: Chuẩn hóa cán bộ quy hoạch

Nhân sự đại hội Đảng các cấp - Từ chủ trương đến thực tế

Theo đánh giá của Thành ủy TPHCM, qua kiểm tra 100% cán bộ được quy hoạch cấp ủy đều đạt chuẩn có trình độ đại học trở lên, sau quy hoạch nhiều cán bộ được cử đi đào tạo đại học văn bằng 2, thạc sĩ và bồi dưỡng cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời nhiều cán bộ đã tự học để nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, số cán bộ trong quy hoạch hiện nay còn một số hụt hẫng về trình độ chính trị, đây tiếp tục là bài toán khó với nhiều cấp ủy hiện nay.

Hơn 70% cấp ủy viên cơ sở ở đảng bộ cấp trên còn nợ bằng cấp chính trị

Đảng bộ TP hiện có 66 đảng bộ trực thuộc với hơn 2.300 tổ chức cơ sở đảng. Đội ngũ cấp ủy viên cơ sở hiện có hơn 13.000 đồng chí. Không chỉ hiện nay mà trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thường xuyên bồi dưỡng cấp ủy và cán bộ cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ cơ sở đạt chuẩn tăng hơn so với trước. Tuy nhiên, còn nhiều cán bộ là cấp ủy cơ sở và cán bộ trong quy hoạch cấp ủy cơ sở cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị.

Cụ thể, trong báo cáo tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2014 khối sở, ngành TP và bộ, ngành trung ương của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây đã thống kê con số đáng quan tâm: Hiện nay số lượng cán bộ trong quy hoạch cần có kế hoạch đào tạo cao cấp, cử nhân chính trị còn nhiều (khối quận, huyện hơn 40%, các đảng bộ cấp trên cơ sở hơn 70%).

Các học viên khối sở - ngành - đoàn thể - báo chí TPHCM tham gia lớp Cao cấp Lý luận chính trị - hành chính khóa 53 tại Học viện Cán bộ TP. Ảnh: ÁI CHÂN

Bình Hưng là một trong những xã đông dân nhất (hơn 80.000 dân) của huyện Bình Chánh nói riêng, TPHCM nói chung. Để có thể quản lý hết địa bàn nhưng do biên chế không cho phép nên xã phải tăng cường thêm cán bộ không chuyên trách. Số này chiếm rất đông (1/3 tổng số cán bộ của xã). Cái khó của xã không chỉ trong quy hoạch chuẩn bị cho đại hội đảng đợt này mà còn về lâu dài, theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hồng là chuẩn hóa về tiêu chuẩn chuyên môn và trình độ lý luận chính trị bởi không có chế độ khuyến khích nên hầu như cán bộ phải tự trang bị, tự học. Trong khi người có trình độ cao ít ai chịu về xã thì với cán bộ tại chỗ, khi cần đưa vào quy hoạch lại thiếu chuẩn. Còn ở huyện Cần Giờ xa xôi, mỗi lần lên TP học là mỗi lần khó với cán bộ huyện và các xã, trong khi việc phối hợp tổ chức lớp trung cấp chính trị tại chỗ thì phải “xếp hàng” tuần tự học.

Tương tự, ở các đảng bộ cấp trên cơ sở cũng vướng về tiêu chuẩn chính trị. Đồng chí Trần Văn Xồi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Y tế TP cho biết, khi đưa vào quy hoạch mới “té ngửa” vì các cấp ủy viên cơ sở chủ yếu vẫn sơ cấp chính trị. Ngay cả trưởng, phó các khoa ở các bệnh viện lớn cũng khó kiếm trung cấp chính trị trở lên, phần đông chỉ đạt sơ cấp. Đảng ủy sở đã cố gắng giải quyết bằng cách phối hợp tổ chức được 3 lớp với trên 300 học viên nhưng cũng không đủ yêu cầu. Trước, để được cử đi học trung cấp, cao cấp chính trị chủ yếu là các giám đốc, phó giám đốc các bệnh viện, còn các phòng khoa thì đa số các đồng chí chỉ tập trung tự nâng cao trình độ chuyên môn.

Lúng túng công tác thẩm tra

Không chỉ vướng về tiêu chuẩn cán bộ, việc tiến hành thẩm tra xác minh lý lịch cán bộ đưa vào quy hoạch đối với nhiều cấp ủy hiện nay vẫn là công việc “quá sức”. Khi hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy TP Nguyễn Long Tuyền đều nhấn mạnh, đảng bộ phải nêu cao tinh thần chủ động việc thẩm tra xác minh, Ban Tổ chức Thành ủy chỉ hỗ trợ những trường hợp phức tạp, đòi hỏi phải tra cứu tàng thư hoặc địa bàn xa xôi. Tiêu chuẩn chính trị mà nói “sau này tính tiếp” thì khi xảy ra chuyện, giải quyết hậu quả không hề đơn giản. Do đó, nơi nào chưa kết luận về nhân sự dự kiến giới thiệu cho cấp ủy thì phải tập trung làm cho sớm, nếu không phải đại hội chậm lại.

Nguyên tắc là vậy nhưng với nhiều cấp ủy, để hoàn thành kịp và đạt yêu cầu là điều không hề dễ dàng. Đồng chí Trần Văn Xồi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Y tế TP thống kê riêng trong đảng bộ mình: Trước đại hội, các cơ sở phải rà soát cho xong đến trên 520 trường hợp trong khi bình quân 1 tuần mới đọc và xử lý xong/hồ sơ! Hiện nay đơn vị sợ không thể “với tay” nổi đến các chi bộ trực thuộc.

Tương tự, đồng chí Ngô Đình Tân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế thì lo lắng: Ở cấp đảng ủy không khó khăn nhưng cấp cơ sở thì quá khó. Hiện nay ở các chi bộ, số hồ sơ cần thẩm định và yêu cầu phải thẩm định trước đại hội là gần 150 bộ. Chúng tôi nỗ lực hết sức chỉ mới làm được hơn một nửa!

HỒNG HIỆP - HOÀI NAM

>> Bài 1: Bảo đảm nguồn nhân lực cấp ủy các cấp

>> Bài 2: Khoảng cách giữa mục tiêu và thực tế

Tin cùng chuyên mục