“Bác sĩ” Robot

Một năm trở lại đây, 2 bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM là BV Chợ Rẫy và BV Bình Dân đã tiên phong đưa vào sử dụng hệ thống robot hiện đại nhất thế giới trong phẫu thuật. 
Được ví như cánh tay thứ 3 của bác sĩ phẫu thuật, việc ứng dụng robot đã giúp người bệnh ở Việt Nam được điều trị kỹ thuật cao với chi phí chỉ bằng 1/10 so với ra nước ngoài phẫu thuật.
Cứu sống hàng trăm người bệnh mỗi năm
Mới đây, cuộc phẫu thuật đẫm mồ hôi với sự trợ giúp của robot tại BV Chợ Rẫy đã tiến hành cắt tuyến ức để điều trị nhược cơ cho bệnh nhân Phan Thị Mỹ N. (28 tuổi, ngụ Vĩnh Long, bị nhược cơ 2A, tồn tại tuyến ức). Đây được xem là ca đầu tiên của BV Chợ Rẫy nói riêng và phía Nam nói chung trong việc điều trị bệnh lý này bằng phẫu thuật robot. Hiện bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, tình trạng ổn định.
Trước đó, BV Bình Dân cũng ứng dụng robot trong phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc do tế bào ung thư và tạo hình bàng quang bằng hồi tràng (đoạn dưới ruột non) thành công cho anh L.K.P. (46 tuổi, ngụ Khánh Hòa), giúp anh vượt qua căn bệnh ung thư bàng quang, trở lại với cuộc sống thường ngày.
“Bác sĩ” Robot ảnh 1 “Bác sĩ” robot phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bình Dân
Tương tự, một ca phẫu thuật giúp loại bỏ nốt đơn độc ở phổi phải với sự trợ giúp của robot đã được thực hiện thành công cho ông B.V.T. (56 tuổi, ngụ Vĩnh Long). Nhờ áp dụng kỹ thuật mới, người bệnh đã được bảo tồn tối đa nhu mô phổi, giữ lại chức năng hô hấp tốt nhất. Ca phẫu thuật được thực hiện tại BV Bình Dân do bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Công Quyền, Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ, thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên gia về phẫu thuật nội soi ứng dụng robot đến từ Singapore, đã mang lại hiệu quả điều trị rất khả quan cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, kể từ khi ứng dụng robot trong phẫu thuật, đến nay BV Bình Dân đã phẫu thuật thành công hơn 400 ca, trong đó ung thư tiền liệt tuyến là 107 ca, đại trực tràng là 84 ca. Việc ứng dụng robot trong phẫu thuật là một bước tiến mới trong y khoa. Bởi robot có khả năng mổ ở những vị trí khó, có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ, vận động tinh vi. Các dụng cụ mổ do robot điều khiển có khả năng luồn lách vào các khoang nhỏ nhất và sâu một cách linh hoạt, chính xác, đặc biệt hữu ích trong mổ nạo vét hạch trong phẫu thuật các khối ung thư ổ bụng hay lồng ngực. Nhờ đó, khắc phục được những hạn chế của phương thức mổ mở cũng như phẫu thuật nội soi kinh điển (hạn chế tầm nhìn...). Đặc biệt, do có khả năng kết nối với máy tính nên phẫu thuật robot sẽ giúp thực hiện khả năng mổ từ xa, bác sĩ phẫu thuật viên từ khoảng cách rất xa vẫn có thể mổ được cho người bệnh. Bên cạnh đó, robot còn có khả năng bóc tách khối u và khâu nối tỉ mỉ.
“Nhờ có hệ thống hình ảnh không gian 3 chiều, hệ thống robot cho phép bác sĩ phẫu thuật có thể quan sát sâu hơn và chính xác hơn so với hình ảnh không gian 2 chiều trong phẫu thuật nội soi thông thường, tạo điều kiện thuận lợi cho từng thao tác phẫu thuật. Lợi điểm của phẫu thuật robot là vùng phẫu thuật được thu hẹp tối đa với xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân lành bệnh mau, hồi phục thể trạng nhanh hơn”, bác sĩ Hưng thông tin.
Bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng
Việc ứng dụng robot trong lĩnh vực ghép tạng là nét son mới của ngành y Việt Nam, kể từ khi BV Chợ Rẫy triển khai lấy thận hiến trên người cho sống bằng robot phẫu thuật vào cuối tháng 6 vừa qua. Hai trường hợp được lấy thận bằng kỹ thuật robot: ông D.X.T. (53 tuổi), phẫu thuật cắt lấy thận để ghép cho một người bà con là ông N.V. V. (55 tuổi); ông Nguyễn Văn T. (50 tuổi) phẫu thuật cắt lấy thận để ghép cho con gái tên N.T.D.Tr. (27 tuổi).
Theo PGS-TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, do đây là lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật bằng robot nên các bác sĩ cẩn trọng, không dám thực hiện nhanh, vì thế thời gian lấy thận lâu hơn thời gian phẫu thuật nội soi kinh điển.
“Thời gian của ca đầu tiên mất 4 giờ và ca thứ 2 là 3 giờ 45 phút; tổng số lượng máu bệnh nhân mất trong mỗi ca phẫu thuật trung bình 50ml, không phải truyền máu trong quá trình phẫu thuật, không có biến chứng, không phải chuyển sang mổ mở, thời gian nằm viện 2 ngày, ít hơn 5 ngày so với trước đây”, bác sĩ Thái Minh Sâm cho biết.  
Cũng theo bác sĩ Sâm, BV Chợ Rẫy bắt đầu triển khai phẫu thuật bằng robot từ cuối tháng 10-2017; đến nay đã thực hiện phẫu thuật thành công cho 68 trường hợp. Dùng robot để phẫu thuật cắt thận ghép từ người cho sống là kỹ thuật mới nhất áp dụng tại đây. Ưu điểm của phương pháp này là an toàn, vết mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, chảy máu ít, ít đau, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn hơn; trong khi kết quả tương đương với phẫu thuật nội soi kinh điển.
“Robot là kỹ thuật mới ứng dụng y khoa 20 năm trở lại đây. Hiện nay một số trung tâm ghép tạng trên thế giới thường xuyên sử dụng robot để lấy thận ghép. Một ca mổ nội soi lấy thận ghép tại tại BV Chợ Rẫy có sự hỗ trợ của robot có chi phí khoảng 100 triệu đồng. Bệnh nhân phẫu thuật bằng robot hồi phục nhanh chóng và kỹ thuật viên cũng thực hiện thuận lợi hơn”, bác sĩ Sâm nói.
“Qua ứng dụng robot vào trong điều trị tại 2 BV Chợ Rẫy và Bình Dân, hàng loạt kỹ thuật chuyên sâu về phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đại - trực tràng, ung thư phổi, cắt nang ống mật chủ, tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản, ung thư gan, phẫu thuật tim, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình… sẽ được triển khai. Đây là minh chứng cho thấy kỹ thuật chuyên sâu về ngoại khoa tại TPHCM đã có bước tiến ngang bằng các nước trong khu vực có ngành y tế khá phát triển và đã thu hút nhiều khách du lịch tìm đến khám chữa bệnh như Singapore, Thái Lan…”.  
GS-TS NGUYỄN TẤN BỈNH Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Tin cùng chuyên mục