“Bác sĩ pháp lý” của doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của cơ quan mình, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính điều này đã để lại hậu quả không nhỏ cho doanh nghiệp Việt khi ký kết và thực hiện hợp đồng. 
Các bạn trẻ, đại diện doanh nghiệp tại một khóa đào tạo về kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại do VCCI tổ chức

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các hiệp định thương mại đa phương và song phương được ký kết đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Như quy luật tất yếu, khi mở cửa thị trường, cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xác định rõ mục tiêu hoạt động, cũng như nâng cao hiểu biết về pháp luật theo hướng chuyên nghiệp. 

“Bút sa gà chết”

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của cơ quan mình, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính điều này đã để lại hậu quả không nhỏ cho doanh nghiệp Việt khi ký kết và thực hiện hợp đồng. Về nguyên tắc, hợp đồng là sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên một cách bình đẳng và thiện chí, dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, có giá trị pháp lý ràng buộc các bên phải thực thi theo đúng các điều khoản đã thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với việc “bút sa gà chết”.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp Việt, kể cả những doanh nghiệp lớn, khi đàm phán và ký hợp đồng chỉ thực hiện một cách hình thức, tin tưởng quá nhiều vào đối tác; dẫn tới việc thực hiện hợp đồng rất khó khăn, dễ xảy ra tranh chấp và thường thua khi bị kiện tụng. Đây chính là lý do mà trên thương trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị đánh giá là yếu thế hơn và thường rơi vào tình thế bị động trong quá trình đàm phán hợp đồng.

Thời gian gần đây, báo chí đã đề cập rất nhiều đến các vụ tranh chấp kinh doanh thương mại giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài và phần thua đa số thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân do trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, nhiều doanh nghiệp Việt không am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế, thậm chí không nắm rõ cả pháp luật của… Việt Nam, nhưng lại ngại tốn tiền nên không thuê luật sư tư vấn. Đến khi hậu quả xảy ra, bị thiệt hại lớn mới tìm tới luật sư nhờ tư vấn giải quyết hậu quả. Trong khi đó, các công ty nước ngoài đều có đội ngũ luật sư riêng. Khi ký hợp đồng với đối tác, luật sư của họ đóng vai trò “người gác cổng” để tư vấn chuyên sâu và bao quát những vấn đề liên quan đến pháp lý trước khi doanh nghiệp đặt bút ký hợp đồng.

Vì vậy, để đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý, cũng như tránh các tranh chấp có thể xảy ra, doanh nghiệp Việt nên nhờ luật sư tư vấn trong quá trình hoạt động và quá trình đàm phán, soạn thảo hợp đồng. Bằng các kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật về doanh nghiệp nói riêng, các luật sư sẽ là “bác sĩ pháp lý” cho doanh nghiệp.

Để có một văn bản hợp đồng rõ ràng, chặt chẽ, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện, đảm bảo được quyền lợi cho các bên, hạn chế tranh chấp và giảm thiểu rủi ro trong thương mại… đòi hỏi các bên phải thận trọng, hiểu biết pháp luật và có kỹ năng, kinh nghiệm thực tế trong việc soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại. 

Thỏa thuận trọng tài 

Trong quan hệ hợp đồng thương mại, các bên không mong muốn có tranh chấp xảy ra; chính vì vậy, điều khoản giải quyết tranh chấp ít được các bên quan tâm. Tâm lý như vậy là hoàn toàn sai lầm, vì điều khoản giải quyết tranh chấp là rất cần thiết trong quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng. Một điều khoản giải quyết tranh chấp thường bao gồm các nội dung: cơ quan được lựa chọn giải quyết tranh chấp (tòa án, trọng tài thương mại); pháp luật nội dung, quy định tố tụng, thời gian, địa điểm, ngôn ngữ áp dụng để giải quyết tranh chấp...

Xu hướng chung của thế giới hiện nay là giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua cơ chế trọng tài. Với trọng tài thương mại, các bên được tự do lựa chọn thủ tục, thời gian, địa điểm phương thức giải quyết tranh chấp theo hướng tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất cho các bên trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này giúp giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả cho quá trình giải quyết tranh chấp. Phán quyết của trọng tài thương mại là “chung thẩm”, vì vậy có giá trị bắt buộc đối với các bên nên không thể chống án hay kháng cáo.

Một trong những điều kiện tiên quyết để trung tâm trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp, đó chính là “Thỏa thuận trọng tài”.  Khi giao kết hợp đồng, trước hết các bên phải ghi đầy đủ, chính xác thông tin về một trung tâm trọng tài thương mại cụ thể, bởi điều khoản về trọng tài rất có khả năng bị vô hiệu nếu không xác định được trung tâm trọng tài đã được các bên lựa chọn. Về luật áp dụng, trong thương mại quốc tế cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, luật áp dụng hoàn toàn do các bên tự do thỏa thuận. Tùy theo khả năng đàm phán, có thể là luật của nước bên bán hoặc bên mua, hoặc là luật của một nước thứ ba. Về ngôn ngữ trọng tài, luật trọng tài thương mại ở hầu hết các quốc gia và những quy tắc của các tổ chức trọng tài thường tôn trọng quyền tự do của các bên khi chọn ngôn ngữ trọng tài, có thể là tiếng Anh, tiếng Việt hoặc bất cứ thứ tiếng nào khác mà các bên cho là phù hợp trong quan hệ thương mại. 

Việc giao kết và thực hiện hợp đồng thường diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, vì vậy doanh nghiệp Việt nên thỏa thuận trong hợp đồng về lựa chọn địa điểm, ngôn ngữ, luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến các điều ước quốc tế về hợp đồng thương mại mà Việt Nam là thành viên; hay các điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại, hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia.

Tin cùng chuyên mục