Áp lực trước môi trường kinh doanh

Một số vụ bê bối về nông sản “bẩn” trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, dù rằng vụ việc xảy ra chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. 
Không chỉ báo động về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, những cuộc chiến ngầm liên quan đến bất bình đẳng trong kinh doanh như gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… cũng khiến DN nhọc nhằn ứng phó. Rõ ràng, DN rất cần chỗ dựa để phát triển ổn định. 
Áp lực trước môi trường kinh doanh ảnh 1 Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện ở TPHCM
“Được vạ, má sưng”
Những thương hiệu tên tuổi như kẹo dừa Bến Tre, bánh pía Sóc Trăng, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc… từng gian nan khi đi kiện đòi thương hiệu là những minh chứng rõ nét cho việc “được vạ, má sưng” khi thời gian, tiền bạc DN phải bỏ ra để đòi lại thương hiệu lên tới nhiều tỷ đồng. Tất nhiên, trong số đó có những vụ bị giả mạo thương hiệu ở nước ngoài chứ không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Thái Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên, thương hiệu từng bị làm nhái, chua xót cho rằng, thiệt hại của DN rất lớn nhưng đối tượng làm giả sản phẩm chỉ bị xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe. Phải mất thời gian dài Tân Huê Viên mới lấy lại được các thị trường ở nước ngoài. Tương tự, hàng loạt DN hoạt động trong lĩnh vực lữ hành của nước ta cũng đang đau đầu vì vấn nạn nhái thương hiệu, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, nhưng không dễ gì xử lý đến nơi đến chốn, bởi thực tế có sự chồng chéo cấp phép kinh doanh giữa các bộ, sở ngành… Chưa kể tình trạng, nhiều DN sẵn sàng chấp nhận đóng phạt để tiếp tục tồn tại, hoặc khi thấy nguy cơ bị tước giấy phép kinh doanh đã dùng kế “ve sầu thoát xác”, thay tên công ty, đổi người đứng tên giấy phép kinh doanh và… ung dung hoạt động. 
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, trong tiến trình hội nhập, DN Việt Nam không nằm ngoài những vấn đề chung của thế giới, cả trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt đối với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta hiện nay. Do vậy, các vụ tranh chấp thương mại cũng gia tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ mở của nền kinh tế.
Theo đó, số lượng các vụ tranh chấp thương mại giải quyết bằng con đường trọng tài trên thế giới tăng mạnh trong những năm gần đây và ở Việt Nam cũng tương tự, dù rằng tỷ lệ này có phần khiêm tốn. Cụ thể, khoảng 10% vụ kiện giải quyết bằng con đường trọng tài, 90% số vụ còn lại được giải quyết bằng con đường tòa án; trong khi ở các nước phát triển, phần lớn vụ tranh chấp thương mại được giải quyết bằng con đường trọng tài. Điều này cho thấy, DN đã và đang cập nhật thông tin tốt hơn, có xu hướng lựa chọn giải quyết tranh chấp phù hợp với tình hình phát triển chung của thời cuộc, thế giới.
“Kiện tụng là điều không ai mong muốn vì ảnh hưởng rất nhiều đến DN, gồm cả thời gian, tiền bạc… Nhưng thực tế, các tranh chấp thương mại vẫn thường xuyên xảy ra, liên quan đến hàng loạt vấn đề phát sinh sau ký kết hợp đồng. Công ty tôi đã thành lập riêng bộ phận chuyên trách về pháp lý để hỗ trợ DN, nhưng nhiều vụ việc vẫn phải nhờ tới các trung tâm trọng tài thương mại. Vẫn biết “được vạ thì má đã sưng” nhưng chủ động trong các tình huống vẫn hay hơn, cơ hội thắng kiện cao hơn”, ông Dương Minh Thuyên, giám đốc một DN chuyên hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, cho biết. 
Cần môi trường pháp lý an toàn
TS Trần Du Lịch (trọng tài viên Viac - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, để giúp DN cơ hội đột phá, tăng trưởng kinh doanh, môi trường pháp lý an toàn và minh bạch chính là chỗ dựa để DN tin vào tương lai. Thực tế, nước ta không thiếu luật cho thị trường vận hành, nhưng vấn đề là ở chỗ thực thi pháp luật. Chẳng hạn như sự chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật; văn bản dưới luật vô hiệu; tuổi thọ của luật ngắn, tạo nên yếu tố bất ổn; áp dụng luật thay vì vận dụng luật; những tiêu cực trong thực thi pháp luật… Kế đến, còn tồn tại vấn đề bất bình đẳng trong kinh doanh ở khía cạnh thực thi pháp luật, gồm gian lận thương mại; hàng giả, hàng nhái; cơ chế thuế khoán, trốn thuế; thiếu công minh trong giải quyết tranh chấp thương mại, tranh chấp dân sự… 
Trước những bất cập nêu trên, TS Trần Du Lịch đưa ra nhận định, nền kinh tế nước ta đang đứng trước vận hội mới để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa. Để thực hiện sứ mệnh này, trước hết tùy thuộc vào khát vọng, niềm tin của DN, của cả hệ thống chính trị. Dòng chảy hội nhập thế hệ mới cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ đang là cơ hội mở ra cho Việt Nam. Theo đó, DN cần một môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo, một thể chế kinh tế ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. Nhà nước phát huy vai trò “bà đỡ” cho thị trường, bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp thuộc tính cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia chứ không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường. Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DN nhỏ và vừa hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.
TS Trần Du Lịch khẳng định, trong điều kiện nước ta hiện nay, để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tùy thuộc vào 3 nhân tố, gồm kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là các nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho DN phát triển, hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục