Áp lực thi cử

Các tỉnh, thành trên cả nước đang công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 vào trường công lập. Chỉ riêng tại 2 địa phương là Hà Nội và TPHCM đã có hơn 160.000 thí sinh đua tìm suất học. Nếu như ở TPHCM sẽ có khoảng 13.000 thí sinh trong tổng số hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi không trúng tuyển lớp 10 công lập, thì tại Hà Nội, cạnh tranh còn khốc liệt hơn với hơn 21.000 thí sinh sẽ phải rẽ sang hình thức học tập khác.

Việc thi tuyển nhằm đánh giá lại kết quả quá trình dạy học, đồng thời góp phần quan trọng vào mục tiêu phân luồng học sinh sau bậc THCS, nhất là trong bối cảnh trường lớp công lập chưa đáp ứng nổi nhu cầu học tập của người dân. Tuy nhiên, với những khốc liệt của tỷ lệ chọi, rồi bài toán cân não chọn nguyện vọng, khác biệt đậu - rớt đôi khi chỉ chênh nhau 0,5 điểm... đã khiến nụ cười hồn nhiên tuổi 15 vụt tắt ở nhiều thí sinh.

Diễn ra cùng khoảng thời gian với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm, ngày 14-6, tại TPHCM, 4.200 học sinh đã tham dự kỳ khảo sát năng lực nhằm chọn ra những học sinh xuất sắc nhất vào học lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. 

Để có mặt ở kỳ thi, hầu hết thí sinh đều trải qua các khóa “chạy sô” luyện thi từ đầu năm học lớp 4. Với danh nghĩa “kỳ khảo sát”, nhiều năm qua, Sở GD-ĐT TPHCM liên tục khẳng định mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tổ chức bài thi khảo sát năng lực. Ở góc độ phụ huynh, nhiều người cũng đồng tình, vì nếu không tổ chức kỳ thi khảo sát thì Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ xét tuyển kiểu gì trước sự chênh lệch quá lớn giữa chỉ tiêu tuyển sinh và nhu cầu đăng ký thực tế của phụ huynh. Nếu áp dụng các tiêu chí xét tuyển như điểm học bạ năm lớp 5, chứng chỉ, thành tích thì vô hình trung tạo ra cuộc đua điểm số, thành tích với tiêu cực nhiều hơn. Tuy nhiên, tổ chức khảo sát với hình thức nào để không gây áp lực, không đẩy các em học sinh ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải lao vào cuộc đua ôn luyện, hiện vẫn là bài toán khó.

Trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với hàng loạt thay đổi, cải cách trong định hướng, mục tiêu và phương pháp giảng dạy khiến độ ổn định của đề thi qua các năm vẫn là ẩn số. Không khó để nhận ra đề thi tuyển sinh ở các thành phố lớn luôn có độ phân hóa cao hơn các tỉnh không chịu nhiều áp lực về chỗ học. Chưa kể, trong cùng địa phương, mức độ phân hóa của đề thi giữa các môn cũng không đồng đều và thường “trồi”, “sụt” theo hiệu ứng dư luận thông qua kỳ thi tuyển sinh các năm trước đó. Câu hỏi được đặt ra là, có thể thay thế hình thức thi tuyển thành xét tuyển hoàn toàn để giảm áp lực thi cử cho thí sinh không? Vì sao ở nhiều tỉnh, thành phố vẫn duy trì kỳ thi tuyển sinh với nhiều áp lực và tốn kém ngân sách chỉ nhằm mục đích loại vài trăm, vài chục thí sinh khỏi hệ thống trường lớp công lập?

Thi tuyển hay xét tuyển công khai là cần thiết nhưng một khi chưa tìm ra thuốc đặc trị đối với bệnh gian lận và tiêu cực trong thi cử thì xã hội có quyền hoài nghi về tính nghiêm minh cũng như hiệu quả thực sự của việc tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp. Với sự phát triển ngày càng ổn định của hệ thống các trường dân lập, tư thục, song song với nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống các trường nghề, mọi người vẫn hy vọng ngày nào đó, tuyển sinh ở bậc phổ thông sẽ không còn áp lực, học sinh tự tin với việc “học gì thi đó”, trường lớp không vất vả chạy theo áp lực thành tích và phụ huynh hài lòng với chất lượng dạy học.

Tin cùng chuyên mục