An vị và khánh thành tượng Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Ngày 18-1, tại khuôn viên Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, quận 9, TPHCM, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TPHCM đã trọng thể tổ chức Lễ an vị và khánh thành tượng Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, hướng đến chào mừng 320 năm thành lập TP Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dâng hương Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dâng hương Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến dự có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM... 

Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị anh hùng có công khai phá bờ cõi phương Nam, xác lập chủ quyền ở Đàng Trong, nhất là vùng đất Sài Gòn - Gia Định sau này. Ông được chúa Nguyễn Phúc Chu 2 lần cử làm thống binh. Lần thứ nhất, ông đánh bại quân Chiêm Thành, đổi tên Chiêm Thành thành trấn Thuận Thành, tức là vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Và đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, giúp chúa Nguyễn mở mang bờ cõi hết vùng đất miền Trung. Tại đây, ông đã thi hành chính sách an dân, luôn cư xử ôn hòa, đoàn kết dân tộc, lấy nhân đức thu phục lòng người, được nhân dân cảm mến. Lần thứ hai, ông được cử đem quân đi kinh lược xứ Đồng Nai. Từ vùng lưu dân tự phát, ông đã định hướng phát triển, thu nạp, chiêu mộ thêm dân, khai khẩn ruộng đất, tổ chức các đơn vị hành chính, thiếp lập bộ máy, xác lập chủ quyền lãnh thổ Đàng Trong. 

Ông là tấm gương sáng về tinh thần trung quân ái quốc của bậc tiền nhân, hết lòng vì nước vì dân, góp phần xác định chủ quyền, giữ vững lãnh thổ Việt Nam của nhà Nguyễn, tiếp tục khẳng định sự hiện diện và trường tồn của người Việt ở dải đất phương Nam… Nhiều địa phương đã lập đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, như tại Thác Ro - Quảng Bình, Điện Bàn - Quảng Nam, Rạch Gầm -Tiền Giang, Cù lao Phố - Đồng Nai... Tên và chức vụ của ông cũng được kính trọng để đặt tên trường, địa danh rất nhiều nơi và tôn thờ ông như một vị Thành Hoàng. 

TPHCM đã khởi công xây dựng đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh năm 2016. Công trình là một cụm di tích, lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, nối liền với Khu tưởng niệm các Vua Hùng, thuộc Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc của TPHCM. Sau hơn 3 năm làm việc tích cực, kỹ lưỡng từ việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu lịch sử, khảo sát thực tế tại các địa phương trong và ngoài nước, đến việc quy tụ các chuyên gia đầu ngành về lịch sử, chính trị và nghệ thuật, với tinh thần làm việc nhiệt huyết và thành tâm của nhà điêu khắc Lê Lang Biên, tượng Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thiện, đạt yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật. Công trình hoàn thành đưa vào hoạt động nhằm phục vụ đồng bào đến chiêm bái và viếng thăm, thể hiện sự tri ân đối với bậc tiền nhân có công với đất nước. 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Tượng Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh uy nghi và đầy tôn kính, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước thương dân. Công trình mang ý nghĩa to lớn về giáo dục truyền thống và khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ, qua đó hun đúc hơn nữa lòng yêu nước, thương dân, tin Đảng, phát huy truyền thống năng động sáng tạo của TPHCM, của Việt Nam ngàn năm văn hiến và anh hùng. Đồng thời cũng góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nên nguồn nội lực to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng TPHCM ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. 
Tượng Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được đúc bằng đồng đỏ, chiều cao 1,71m, chiều ngang bệ tượng 1,17m và có trọng lượng khoảng 300kg... 

Tin cùng chuyên mục