An toàn trong rạp chiếu phim

Trên địa bàn TPHCM có rất nhiều rạp chiếu phim với quy mô lớn, nhỏ khác nhau; từ riêng rẽ cho đến xen kẽ trong những công trình phức hợp cao tầng như trung tâm thương mại... Việc đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình cơ sở này cũng đặt ra không ít thách thức cho lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng và toàn xã hội nói chung.
An toàn trong rạp chiếu phim

Trong các đợt kiểm tra an toàn PCCC đối với rạp chiếu phim vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM đã chỉ ra hàng loạt nguy cơ gây mất an toàn tại loại hình cơ sở này. Tuy phần lớn rạp chiếu phim được xây dựng bằng các vật liệu không cháy và khó cháy, có khả năng chịu lực cao như bê tông, cột, xà bằng thép, nhưng luôn tồn tại tại đây một số lượng lớn ghế ngồi được bọc vải có lớp đệm mút ở giữa, các loại phông, màn chắn ánh sáng. Hệ thống điện ở các rạp chiếu phim thường được thiết kế ở dạng cáp ngầm dưới sàn hoặc trong vách tường; do vậy, việc kiểm tra, tu bổ ít được chú ý nên có nhiều khả năng gây ra hiện tượng chập mạch dẫn đến cháy. Mặt khác, việc dùng thiết bị điện có công suất lớn như các loại đèn để gần phông màn và vật dễ cháy khác cũng là nguồn gây hỏa hoạn.


Bên cạnh đó, một số khán giả không chấp hành các quy định an toàn PCCC như hút thuốc hoặc sử dụng các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt khác bên trong rạp chiếu phim... cũng là mối nguy hiểm tiềm ẩn về cháy nổ. Rạp chiếu phim là nơi thường xuyên có mật độ người tập trung đông. Tuy nhiên, không ít cơ sở bố trí vật dụng cản trở lối thoát hiểm, không trang bị đầy đủ hoặc không thường xuyên bảo trì hệ thống đèn chiếu sáng hướng dẫn thoát hiểm… nên nếu không may có cháy xảy ra, công tác sơ tán khán giả sẽ gặp nhiều khó khăn.
 
Để đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình cơ sở này, Cảnh sát PCCC TPHCM khuyến cáo: Các rạp chiếu phim phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về PCCC (niêm yết nội quy, tiêu lệnh PCCC, gắn biển cấm hút thuốc, đèn chỉ dẫn thoát nạn); bố trí đầy đủ phương tiện và tổ chức tập huấn cho lực lượng PCCC tại chỗ; các lối thoát nạn phải luôn thông thoáng. Tại khu vực đặt máy chiếu phim, phải thiết kế hệ thống thông gió nhân tạo để giảm nhiệt độ và bố trí nhân viên túc trực thường xuyên theo dõi tình trạng hoạt động của trang thiết bị, máy móc nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống khẩn cấp liên quan đến hỏa hoạn. 

Tuyệt đối không sử dụng điện tùy tiện trong rạp chiếu phim. Việc bố trí lắp đặt hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện phải do thợ điện chuyên nghiệp phụ trách và khi thi công phải đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế của công trình, tránh các trường hợp sử dụng điện quá công suất. Bên cạnh đó, cơ sở phải thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây...), nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và tiến hành sửa chữa kịp thời.

Đặc biệt, trong trường hợp thi công, sửa chữa công trình có sử dụng hàn cắt kim loại, phải hết sức cẩn trọng, tuân thủ nghiêm quy định về đảm bảo an toàn PCCC, như tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy, di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), có biện pháp và sẵn sàng phương án xử lý cháy nổ.

Cùng với những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ giải trí này, bản thân khán giả - những người trực tiếp hưởng thụ giá trị tinh thần từ rạp chiếu phim - cũng phải có trách nhiệm về đảm bảo an toàn PCCC tại đây. Tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ và tự trang bị một số kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC... chính là những giải pháp cần thiết để mỗi người có thể tự bảo vệ mình trước các tình huống khẩn cấp, cũng như có được những buổi xem phim đầy thú vị, trọn vẹn niềm vui bên cạnh những người thân yêu.

Tin cùng chuyên mục