Ăn sao để con vuông mẹ tròn?

Khi mang thai, không phụ nữ nào không băn khoăn, trăn trở, rằng mình phải ăn gì để con mình sau này được khỏe mạnh, thông minh. Trong khi đó, họ lại luôn gặp phải những rắc rối của nghén như: chán ăn, sợ thức ăn, thậm chí ói (nôn) hết những gì cố ăn, hoặc lại chỉ thích ăn một loại thức ăn đặc biệt nào đó. Làm mẹ thật vất vả! 
Ăn sao để con vuông mẹ tròn?

Dinh dưỡng theo thai kỳ
Để phần nào giảm sự lo âu cho các thai phụ, chúng ta hãy cùng trao đổi một số nguyên tắc cơ bản về dinh dưỡng khi mang thai.
Người ta thường chia sự phát triển của thai kỳ theo quý (tức 3 tháng một), 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, vì nó có liên quan vấn đề sức khỏe của cả mẹ và con, đồng thời đặc biệt có liên quan sự ăn uống của mẹ. Trong 3 tháng đầu, phôi thai được hình thành, chủ yếu là sự phân chia tế bào để hình thành các cơ quan và ít phát triển về cân nặng. Cuối tháng thứ 3, phôi chỉ nặng 12g, dài 10cm, lúc này người mẹ bị nghén nhiều nhất vì có sự thay đổi về nội tiết trong cơ thể nên ăn ít và tăng cân rất ít (khoảng 1kg), thậm chí không tăng hay sụt cân. Ba tháng giữa là lúc thai bắt đầu phát triển và ổn định, mẹ hết nghén, ăn được nhiều hơn và bắt đầu tăng cân (khoảng 4-5kg). Ba tháng cuối là lúc thai tăng trọng rất nhanh, mẹ chuẩn bị cho sự sanh nở và nuôi con bằng sữa mẹ nên tăng cân nhiều (khoảng 5-6 kg).

Với chế độ dinh dưỡng tốt và tinh thần thoải mái, bà mẹ sẽ có đứa con khỏe mạnh, thông minh.


Cân nặng của mẹ tăng trong cả thai kỳ khoảng 10-12kg gồm thai (2,5-3kg), nhau thai (0,4kg), dạ con (1,1kg), tuyến vú (1,2kg), nước ối (0,8kg) và phần mỡ dự trữ (2-4kg) của mẹ để chuẩn bị nuôi con bằng sữa của mình. Nếu mẹ tăng < 10kg thì con có nguy cơ suy dinh dưỡng và mẹ khó có  đủ sữa nuôi con. 
Để mẹ tăng đủ 10-12kg
Người mẹ cần ăn nhiều hơn bình thường, tất cả các chất dinh dưỡng. Ví dụ, mỗi ngày năng lượng cần ăn nhiều hơn 350kcal, protein (đạm) 15g, vitamin A 600mg, B1 0,2mg, B2 0,2mg, PP 2,3mg, C 10mg, muối khoáng (calci 1.000mg, sắt 30mg).
Như vậy, người mẹ cần ăn đủ các loại thực phẩm, không nên ăn thiên lệch một loại thức ăn nào. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ít nhất một ngày ăn được 35 loại thực phẩm khác nhau (1 tô phở có 10 loại thực phẩm: bánh phở, thịt, mỡ, rau thơm, giá, ngò om, ngò gai, tương, mắm…). Cụ thể, người mẹ nên ăn mỗi bữa thêm 1 chén hoặc mỗi ngày thêm 1 bữa (mỗi bữa ăn đủ cả 4 nhóm thực phẩm bột, đạm, mỡ, rau). Thức ăn là đa dạng, nhưng nên ưu tiên các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, hải sản…) và những đạm thực vật quý (đậu đỗ…) vì những loại thực phẩm này ngoài cung cấp chất đạm còn cung cấp chất vi lượng (vitamin A, D, E, K, C, B, sắt, đồng, kẽm…) và muối khoáng (calci) giúp cho sự phát triển của thai nhi.

Sổ tay dinh dưỡng

- Ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn, không cữ một loại thức ăn nào. Đặc biệt, chú ý sữa, thịt, cá, tôm, cua, trứng và các loại đậu đỗ. Một ngày, uống ít nhất 2 ly sữa dành cho bà bầu, hoặc các sản phẩm từ sữa, nên ăn tôm cả vỏ, cua đồng để bổ sung calci cho thai nhi.

- Nếu nghén (nôn ói), nên chia nhỏ bữa ăn, 6-7 cữ/ngày, ăn những thức ăn có mùi vị mà mình ưa thích (không có màu hóa học).

- Trong 6 tháng cuối phải ăn nhiều hơn, tăng 10-30% lượng thức ăn so với 3 tháng đầu, tức là 3 tháng đầu ăn 2 chén/bữa, 6 tháng cuối ăn 3 chén/bữa.

- Bình thường, người mẹ tăng trên 10kg, nhưng nếu mẹ bị béo phì thì chỉ cần tăng 6kg, còn nếu song thai (thai đô) thì phải tăng 16-20kg.

- Không tự động uống thuốc bổ khi không có chỉ định của bác sĩ.

- Gặp bác sĩ khi có các biểu hiện sau: tăng cân quá ít (dưới 1kg/tháng đối với người bình thường và dưới 0,5kg/tháng đối với người béo phì); sụt cân (trên 0,5kg/tháng); tăng cân quá nhiều (trên 3kg/tháng); mệt mỏi xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, chuột rút, bị dị ứng thức ăn; bà mẹ ăn chay, bà mẹ bị béo phì, tiểu đường, bướu cổ, suy dinh dưỡng.

Tin cùng chuyên mục