Ăn kiểu Anh

Bữa sáng trên cảng Gosport, nhân viên khách sạn đưa cho tôi thực đơn Full English breakfast gồm bánh mì nướng, trứng rán, xúc xích, thịt hun khói, đậu trắng hầm nhừ và nấm. Tất cả dọn ra trên một đĩa lớn. Không khéo chọn món có thể phải trả tiền?

“Bữa sáng tự chọn đã tính trong giá phòng, thưa quý bà.” Chất giọng nặng trọng âm “sang chảnh” của người Anh làm bàn ăn kê sát cửa sổ hướng ra khu vườn rực hoa hồng và oải hương trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết. Không chỉ khách sạn, nhiều quán ăn trên phố cũng treo biển “Bữa sáng kiểu Anh từ 4- 5 bảng Anh/suất” như vậy. Đích thân vào bếp chuẩn bị cho tôi bữa sáng, anh Iain ở Scotland tự hào “Kiểu Scotland hơi khác ở chỗ các lát bánh mì ngâm ngập sữa tươi trước khi cho vào chảo rán. Hơi nhiều chất phải không? Nhưng chúng tôi quan niệm cần đầy đủ dinh dưỡng như vậy cho một ngày mới”. Thực tế, ăn xong bữa sáng kiểu Anh, khách du lịch như tôi không cần chi thêm tiền bữa trưa nữa.

Có sự khác biệt khá rõ rệt trong quan niệm ăn uống của người Anh và phần còn lại của thế giới: Không chú trọng gợi vị giác qua cách trình bày đẹp mắt, ăn đơn giản để tiết kiệm thời gian và sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất. Đậu trắng hầm nhừ với sốt cà chua dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng, được người Anh ưa chuộng trong bữa sáng. Hơn thế, với người châu Âu đã kinh qua Chiến tranh thế giới thứ hai, mùi đậu hầm nhừ còn đánh thức cảm xúc chưa hề ngủ yên: món ăn một thời buồn đau, đói khổ thường được khắc họa qua những tiểu thuyết hay bậc nhất về chiến tranh và người lưu vong của Erich Maria Remarque.

Tôi tiếp tục ở trọ vài ngày ở căn hộ cũ thuộc khu bảo tồn phố Castle - một trong 6 khu vực trung tâm của thành phố Liverpool được UNESCO công nhận di sản thế giới. Một nhà hàng cổ kính sang trọng gần đó cũng bày ra tấm biển món mới mời khách. Không phải hải sản tươi ngon - lợi thế cảng biển. Thực đơn chính dọn ra gồm quả bơ, gạo đen ăn kèm xa - lát. Nhà hàng này tự hào gọi đây là sức mạnh của món ăn giàu chất bổ. Nghe như Céline Dion đang ca The power of love. Với món này, cũng chẳng cần phải nấu nướng trình bày gì nhiều. Chú trọng dinh dưỡng, không tỏ ra dư thừa thức ăn, chủ trương của nhiều khách sạn tại Anh. Khách sạn Jubilee ở ngay thủ đô London mời gọi tôi đặt phòng với giá giảm đáng kể, còn bao gồm bữa sáng. Nhưng chỉ có bốn loại ngũ cốc bày sẵn, được tự chọn. Phần còn lại, nhân viên khách sạn đợi tôi ngồi vào ghế mới mang ra hai lát bánh mì mới nướng, các hộp mứt và bơ đóng vừa một lần ăn, cốc nước cam và một bình sữa nho nhỏ, thêm tách cà phê nếu muốn. Thực đơn hoàn toàn không thịt.

Gần đây, ở châu Âu rộ lên nhiều phong trào, chiến dịch kêu gọi chống lãng phí thực phẩm. Các siêu thị bắt đầu bán cả những túi rau quả xấu mã (trước đây thường loại bỏ ngay từ khâu đóng gói) với giá rẻ. Một vài hội phụ nữ kêu gọi thử làm món khoai tây rán từ chính vỏ khoai đã nạo bỏ. Tủ lạnh cũ được trưng dụng đặt trên các góc phố. Gia đình nào nấu thừa thức ăn có thể đóng hộp nhựa đặt vào tủ lạnh này tặng cho người lang thang cơ nhỡ. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Trường học đã vào cuộc rất sớm. Khi đến thăm trường trung học nơi con trai đang du học tại Thụy Điển, Oanh - một người bạn của tôi - kể cô đặc biệt ấn tượng trước các tấm tranh dán trên tường của nhà trường: Trái đất là một bàn tròn, góc này người ta chỉ có một món ăn nhỏ xíu trên đĩa, góc kia thức ăn chất chồng như núi.

Tin cùng chuyên mục