Âm nhạc Anh bội thu vẫn lo hậu Brexit

Liên minh châu Âu là nơi mang lại doanh thu cao nhất cho nền âm nhạc Anh với 42% doanh thu, tương đương 165 triệu bảng, tăng 29% trong 2 năm qua.
Ed Sheeran - ca sĩ của Anh hiện có album bán chạy nhất toàn cầu
Ed Sheeran - ca sĩ của Anh hiện có album bán chạy nhất toàn cầu

Theo báo chí Anh, sự phổ biến của âm nhạc Anh ở nước ngoài đã đạt tới mức kỷ lục khi các ca sĩ như Ed Sheeran, Rag’n’Bone Man và Dua Lipa đã mang về 408,4 triệu bảng Anh từ người hâm mộ trên toàn thế giới năm 2017, tăng kỷ lục 12% so với năm 2016. Các nghệ sĩ Anh có album chiếm 1/8 album bán chạy nhất trên toàn cầu. Năm 2017, ca sĩ Anh Ed Sheeran đã bán được 6,1 triệu bản album Divide trên toàn thế giới, không kể phát trực tuyến. Anh trở thành ca sĩ có album bán chạy nhất trong 9 năm qua.  

Một phần doanh thu kỷ lục âm nhạc của Anh là do sự phát triển của các chương trình phát nhạc trên các dịch vụ trực tuyến. Năm ngoái, doanh thu âm nhạc trực tuyến toàn cầu lần đầu tiên vượt qua doanh thu từ việc bán các định dạng truyền thống như đĩa CD. Doanh thu từ người hâm mộ âm nhạc trả tiền cho các dịch vụ như Spotify, Apple Music và Amazon Music tăng hơn 41% trong năm 2017 lên 6,6 tỷ USD, chiếm hơn 38% trong tổng số 17,3 tỷ USD doanh thu âm nhạc ghi âm toàn cầu. Việc bán các định dạng vật lý, chủ yếu là đĩa CD, giảm 5,4% còn 5,2 tỷ USD. Riêng với Anh, doanh số bán đĩa CD, vinyl và các loại hình trực tuyến đã mang về hơn 5 tỷ bảng Anh kể từ năm 2000.

Liên minh châu Âu (EU) là nơi mang lại doanh thu cao nhất cho nền âm nhạc Anh với 42% doanh thu, tương đương 165 triệu bảng, tăng 29% trong 2 năm qua. Tiếp theo là Mỹ chiếm 35%. Trung Quốc là thị trường khá nhỏ bé với âm nhạc Anh nhưng cũng giúp tăng gấp 5 lần trong 2 năm qua. Một trong những lý do khiến ngành công nghiệp âm nhạc Anh thành công là do hấp thụ những ảnh hưởng văn hóa từ khắp nơi trên thế giới, đưa âm nhạc Anh gần hơn với các thị trường. 

Mặc dù EU có nhiều nỗ lực để tạo sân chơi cạnh tranh trong thị trường nghệ thuật nhưng Anh vẫn giữ vị trí thống lĩnh, chiếm hơn 60% doanh thu âm nhạc của EU. Ngành công nghiệp giải trí của Anh cảnh báo rằng, doanh thu kỷ lục này có thể bị đe dọa sau Brexit, đặc biệt là khi Anh và EU không đạt được thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ và tự do di chuyển đối với nghệ sĩ lưu diễn. Hiện tại, mức thuế VAT nhập khẩu các sản phẩm âm nhạc là 5% ở Vương quốc Anh, mức thuế suất thấp nhất được phép theo quy định của EU. Trong khi đó, con số này vẫn cao so với Mỹ (0%) và Trung Quốc (3%). Ra khỏi Brexit, Anh có thể nâng cao vị thế cạnh tranh của mình bằng cách hạ thấp thuế suất hoặc loại bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn. Mức thuế thuận lợi hơn có thể thu hút doanh số toàn cầu cao hơn nữa. Tuy nhiên, nếu EU cũng hạ mức thuế này xuống gần với 0%, điều này sẽ mang tính cạnh tranh hơn khi Anh một mình chống chọi với khối EU. Pháp với thuế VAT nhập khẩu chỉ 5,5% dường như là ứng cử viên chính để tăng tính cạnh tranh trên thị trường âm nhạc với Anh. Vương quốc Anh hiện cũng tham gia luật bán lại bản quyền của nghệ sĩ, được áp dụng ở EU vào năm 2006 cho các nghệ sĩ sống và năm 2012 cho người thừa kế, áp đặt tiền bản quyền ở tất cả các quốc gia thành viên. Chưa biết sắp tới Anh sẽ áp dụng luật này như thế nào sau Brexit. Trong khi vẫn chưa rõ liệu Vương quốc Anh có thể hoàn toàn thoát khỏi thị trường EU hay không sau Brexit, các nhà phân tích cho rằng, tác động tiêu cực là có, vì Anh sẽ không còn được hưởng nhiều lợi thế từ các điều luật của EU liên quan đến nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.

Tin cùng chuyên mục