Ảm đạm vườn tiêu

Thời điểm hiện tại, hầu hết nhà vườn tại Bình Phước đã hoàn tất việc thu hái hồ tiêu đợt đầu với năng suất cao hơn so mùa vụ trước. Thế nhưng, bà con nông dân đang phải đối diện với điệp khúc “được mùa mất giá” cùng nỗi lo khan hiếm lao động và nhiều vườn tiêu bị sâu bệnh...
Nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh tại xã Đắk Ơ
Nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh tại xã Đắk Ơ

Tiêu “đắng” vùng biên

Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của cả nước với 16.987ha, tập trung ở các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Thế nhưng, khi đến vụ thu hoạch, nhiều diện tích tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Tại xã biên giới Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, có hàng trăm hécta tiêu nhiễm bệnh và chết khô. Tốn hàng trăm triệu đồng trồng và chăm sóc khu vườn 1,2ha với 2.000 trụ tiêu, nhưng khi bước vào đợt thu hoạch thì hơn nửa diện tích của gia đình bà Nguyễn Thị Lý (ngụ thôn 9, xã Đắk Ơ) bắt đầu khô héo, ngã màu vàng úa rồi chết khô. Trước vụ tiêu này, gia đình bà Lý hy vọng sẽ trả hết số tiền 1,8 tỷ đồng vay ngân hàng, sắp đến ngày đáo hạn nhưng nay “lực bất tòng tâm”, không còn khả năng trả nợ. 

Cùng cảnh ngộ là gia đình bà Lâm Thị Hương (thôn 10, xã Đắk Ơ), hiện đang nợ ngân hàng 2,5 tỷ đồng nhưng 5.000 trụ tiêu gần như “tiêu” sạch. Bà Hương ngậm ngùi: “Dù đã tìm đủ phương cách cứu chữa nhưng diện tích tiêu chết vẫn không giảm. Khoản tiền vay ngân hàng không thể trả đúng hạn nên rất mong chính quyền có giải pháp hỗ trợ vốn để đầu tư mới, chờ thu thu hoạch vụ sau rồi gom tiền trả nợ”. 

Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Trần Văn Linh cho biết, xã có khoảng 958 hộ có diện tích tiêu nhiễm bệnh và chết; còn số hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng chưa thống kê cụ thể. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, vài năm trước giá tiêu cao, nhà nông lãi lớn nên đua nhau tăng diện tích trồng nhiều hơn so quy hoạch, dẫn đến khó kiểm soát kỹ thuật trồng. 

Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Phước Hà Anh Dũng đã dẫn đầu đoàn khảo sát về dịch bệnh trên cây tiêu ở huyện Bù Gia Mập và nhận định: “Cần có giải pháp kỹ thuật căn cơ, sát với bối cảnh nhà nông đang cần nhất để đưa ra phương án cụ thể cứu nhà vườn trồng hồ tiêu. Làm được điều này mới cứu được nhà nông, duy trì vùng chuyên canh hồ tiêu của tỉnh”. 

Giá thấp, lao động khan hiếm

Ngoài việc tiêu chết, người trồng còn đối diện với nỗi lo giá tiêu xuống thấp kéo dài và khan hiếm lao động. Hiện giá tiêu tại các hợp tác xã trồng tiêu sạch bán ra thị trường khoảng 46.000 đồng/kg (năm trước giá 70.000 đồng/kg) và hầu hết nhà vườn đã cơ bản hoàn tất thu hoạch tiêu đợt đầu nhưng do khó tìm kiếm nhân công hái tiêu nên không ít hộ đành nhìn tiêu chín rụng đỏ gốc. Ghi nhận tại xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) có đến 80% số hộ trồng hồ tiêu nhưng khâu thu hoạch khá ảm đạm. Chạy dọc hai bên tuyến đường liên xã là bạt ngàn vườn tiêu đang thời điểm chính vụ nhưng chỉ lác đác vài người len lỏi trong vườn tranh thủ thu hoạch. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Lưu có 2.000 nọc tiêu khoảng 9 năm tuổi, mùa vụ năm 2018 thu được hơn 2 tấn, bán với giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg; năm nay được mùa hơn, ước thu hoạch trên 3 tấn, nhưng giá cả èo uột. Dù vườn cây của gia đình tham gia hợp tác xã tiêu sạch của địa phương nhưng giá bán chỉ còn 46.000 đồng/kg. Ngặt hơn nữa là tiêu đã chín rụng nhưng không có nhân công thu hoạch. Hàng năm vào mùa thu hoạch, giá nhân công hái tiêu chỉ 150.000 đồng/ngày và muốn bao nhiêu có bấy nhiêu; nhưng năm nay, giá nhân công từ 160.000 - 180.000 đồng /7 giờ làm việc, thậm chí bao ăn nhưng vẫn không thể kiếm được người hái. Qua 20 năm gắn bó với cây tiêu nhưng chưa bao giờ gia đình ông Nguyễn Văn Lưu phải loay hoay tự thu hoạch và mất hơn một tháng mới hái hết tiêu. 

Theo các nhà vườn, mùa điều năm nay đến sớm so với mọi năm và trùng với mùa tiêu nên người trồng lo thu hoạch điều xong mới tới hái tiêu. Các năm trước tiêu chín không đều, nhiều hộ có thể hỗ trợ đổi công qua lại cho nhau, còn năm nay tiêu chín đồng loạt, các gia đình phải tự thu hoạch. Mặt khác, hầu hết lao động trẻ ở địa phương đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp lớn và thu nhập cao hơn so với đi hái tiêu nên khan hiếm lao động mùa vụ. 

Ông Trần Bá Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đốp, cho biết trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã có phương án huy động nhân lực hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu, nhất là đối với gia đình chính sách, gia đình có con em đi nghĩa vụ quân sự trong đợt đầu năm… Huyện ủy cũng đã có công văn yêu cầu các ban ngành, đoàn thể cử người đến hỗ trợ bà con hái tiêu; đồng thời kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để bà con yên tâm thu hoạch xong vụ tiêu này.

Tin cùng chuyên mục