Ai về Miệt thứ

Ai về Miệt thứ

Nỗi ám ảnh hoang vu ngày nào của Miệt thứ đã thay bằng một cuộc sống mới, chất lượng hơn, hiện đại văn minh hơn mà 30 năm sau giải phóng, nhìn lại, ngay người Miệt thứ cũng giật mình, thảng thốt.

  • Đường về Miệt thứ

Gần trưa, chúng tôi ghé ngay chợ kênh làng thứ bảy, cách Vườn Quốc gia U Minh Thượng hơn 20 cây số. “Xứ này cá mú lềnh khênh, cần chi bột ngọt cậu ơi…”, bà chủ quán giải thích nguyên nhân của cái vị ngọt đậm đà nhưng rất thanh, không gắt của những tô bún cá, cháo cá… Các cửa tiệm, gian hàng dịch vụ - kinh doanh chạy dài qua chợ cả trên lộ, dưới sông 400-500m và một bến đò ngang tấp nập ghe xuồng cho thấy đây là một thị tứ khá sầm uất.

Ai về Miệt thứ ảnh 1

Ngược xuôi kênh rạch Miệt thứ.

Hàng hóa ở ngôi chợ có vị thế “tiền lộ hậu sông” rất đặc trưng cho xứ kênh rạch phong phú chẳng kém nơi phố thị, từ trái cây, đặc sản cá, mắm đến thực phẩm chế biến, quần áo may sẵn, hàng gia dụng cao cấp điện, điện tử... “Cứ hai ba tuần trên Sài Gòn lại đổ về cho tôi một xe hàng… Đời sống khấm khá, dân vùng sâu ra mua nhiều nhưng họ chọn hàng kỹ lắm”, dì Ba Xuân, gốc Vĩnh Thuận, kinh doanh ngành hàng gia dụng vừa nói vừa nhanh tay xếp đồ.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Trương Quốc Tuấn (Sáu Tuấn), người gắn bó với Miệt thứ - U Minh từ thời kháng chiến hồ hởi: Trước kia rừng U Minh heo hút kéo dài đến sát đây, còn sắp tới, một trung tâm thương mại rộng 4-5 ha sẽ hiện diện tại thị tứ sung túc, trung tâm của 3 huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận này…

Qua phà Tắc Cậu, theo kinh xáng Xẻo Rô bạn sẽ lần lượt đi qua các làng quê chằng chịt kinh rạch ven U Minh. Gọi theo dân dã đó là vùng Miệt thứ tức Thập Câu, Lâm Sác xưa. “… Từ con rạch thứ nhất tới rạch thứ 10 xếp đặt thành hàng đều nhau, nước từ ruộng chằm chảy thông ra biển, sinh ra rất nhiều cá tôm” (Đại Nam Nhất Thống Chí). Đây là vùng đất rộng, trước chủ yếu là rừng sau được khai thác trồng lúa trồng màu… chạy dọc theo duyên hải vịnh Thái Lan từ vàm sông Cái Lớn đổ xuống phía Nam.

“Thập Câu” là mười con rạch - thực tế nhiều hơn - được đặt tên theo “ thứ” (rạch Thứ nhất, rạch Thứ hai…). Ngoài rạch còn có “xẻo”, nhỏ hơn rạch, như xẻo Vẹc, xẻo Ngát, xẻo Rô, xẻo Lá, xẻo Dừa, xẻo Bần… Những địa danh có thêm từ “ rưỡi” (rạch chín rưỡi…) nằm chen giữa là những kênh rạch hình thành do xáng múc sau này.

Huyền thoại chiến khu U Minh trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” với sự đứng chân chỉ đạo của Xứ ủy, Liên khu ủy, Tỉnh ủy còn đó các chiến công của Miệt thứ: Cây Bàng, Thứ Ba, Bàu Môn, Xẻo Rô, Ngã Tư Công Sự... Ở trên đất này, trong suốt 30 năm máu lửa, nhiều gia đình đã hy sinh đến người con cuối cùng, tài sản cuối cùng để rồi có ngày ta lại hiên ngang, trùng trùng điệp điệp, lao ra từ những cánh rừng, giành lại mọi thứ.

Miệt thứ còn được thiên nhiên hào phóng giao cho nắm giữ một “kho thực phẩm” đặc sắc, quanh năm dồi dào như nai, chồn, chim, cua đinh, rùa, rắn, cần đước… Và có thời những sản vật quý hiếm đó đã ngược dòng Xẻo Rô lên tận Cần Thơ, Sài Gòn…

“U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường”, Miệt thứ, trong đó có làng Đông Thái (huyện An Biên) của nhà văn Sơn Nam hồi trước, hằn sâu trong ký ức dân “lục tỉnh” là nơi “chim kêu vượn hú khỉ hò” bây giờ đổi khác quá. Cái thời “Nhiều người mang tiếng là dân Rạch Giá nhưng chưa đến U Minh lần nào… đường xe hơi quá ít so với diện tích đất đai” mà cụ miêu tả trong “Văn minh miệt vườn” đã lùi xa thật rồi.

“Má ơi đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu/Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/Em về Miệt thứ bỏ sầu cho ai…” nay đã thành gần. Ngồi xe từ thành phố Rạch Giá, theo Quốc lộ 61, quẹo vào Quốc lộ 63 (hai con lộ sẽ nối vào đường Hồ Chí Minh mới), khách có thể lọt vô tận vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Thượng mà “chân không lấm đất”.

Còn nếu bắt đầu từ bến phà Tắc Cậu thì xuôi dài hơn 60 cây số về U Minh là con đường bê tông cốt thép rộng 7,5m cho hai làn xe đã thay thế cho con lộ “chạy xe đạp” chỉ rộng 3,5m hồi xưa… Người ngoài Miệt thứ dạo này lại đổ về đây để xa lánh bụi bặm, xả stress và tìm kiếm “hồn lúa hương quê” ngày một nhiều.

Chỉ nay mai, Miệt thứ sẽ lại “đẹp” hơn nữa: Khoảng 126 tỷ đồng cho dự án nối hai đầu của gần 30 cây cầu trên Quốc lộ 63; hơn 43 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Danina – Đan Mạch xây mới hai bến phà tại sông Cái Bé và bờ Xẻo Rô. Xa hơn sẽ là một cây cầu bắc ngang sông Cái Lớn…

  • Vui gì Miệt thứ ?

Ai về Miệt thứ ảnh 2

Lẩu mắm Miệt thứ.

“Muỗi kêu đỉa lội Canh Đền/Vui gì Miệt thứ… bậu quên quê nhà!?”. Bên nồi lẩu mắm cá sặc danh tiếng (Miệt thứ nổi tiếng với cá sặc), chuyền tay ly rượu trắng “trăm phần trăm” thơm phức, anh Lê Hoàng Hưởng, Phó Giám đốc Vườn QG UMT, nguyên Chủ tịch huyện An Minh, dân Miệt thứ chính gốc, cười hiền lành: “Miệt thứ bây giờ đâu còn vậy. Điện thoại di động, “một phần tất yếu của cuộc sống” hiện đại đã phủ sóng khắp rừng U Minh rồi. Nhịp sống khẩn trương, công nghiệp hơn rất nhiều…”.

Cứ nhìn những băng rôn quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm cao cấp chăng ngang cổng chợ kênh thứ 11; chủ các sạp tạp hóa, trái cây, thuốc tây, bánh kẹo… đang chực chờ niềm nở đón khách; các cửa hàng kinh doanh-dịch vụ điện thoại di động, điện tử, văn hóa phẩm… nằm trên con đường chạy ngang qua UBND huyện An Minh khách ra vô ì xèo cũng thấy áp lực kinh tế thị trường hiện rõ tận vùng sâu này rồi.

Chưa xa lắm cảnh có nơi cái nghèo vịn nhau “nguyên băng nguyên nhóm”, chính quyền phải cứu đói vì người dân chỉ sống dựa vào cây lúa một vụ và các sản phẩm của rừng hay con cá đồng; nhà này cách nhà kia hàng trăm mét, xóm này cách xóm kia cả cây số. Nay thì điện, đường, trường, trạm vươn tới tận những nơi hẻo lánh, heo hút nhất.

Nhà tường, nhà tole giăng mắc ăng-ten san sát lấn chìm nhà lá, tụ hội đông vui; điện lưới quốc gia về tận ấp thay những ngọn đèn dầu cá leo lét; An Minh, An Biên-Vĩnh Thuận giờ xã liền xã, ấp liền ấp. Thông suốt rồi cây cầu Vĩnh Thuận cong cong nối hai bờ Chắc Băng nhộn nhịp tàu ghe đêm ngày...

Có thời, giữa xứ “thọc tay xuống nước là có cái ăn” người ta dai dẳng trong tiềm thức “có ai đong lúa bằng chữ bao giờ” thì ngay từ năm 2003, huyện vùng sâu An Minh đã xóa xong lớp học ca 3 và tre lá cùng một phong trào rầm rộ hiến đất xây trường. Ngôi trường THPT U Minh Thượng (An Biên) cho 1.620 học sinh cả bán đảo Cà Mau còn tươi màu sơn đã khẳng định một sự thật khác, mong ước khác.

Những mô hình người Miệt Thứ làm giàu thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm/hộ từ rừng, nuôi bò, nuôi dê, cá tôm công nghiệp, xen canh đa canh… đang xuất hiện ngày càng nhiều. Màu xanh của tràm đã hòa cùng màu của xóm làng, ruộng lúa, vuông tôm… “Thu nhập đầu người tăng gần gấp 3 so năm 2000, hộ nghèo giảm từ 64% (1999) xuống 10,2%, có 95% dân xài nước sạch, 96% trẻ em đến tuổi đều vô trường, trên 100 nông dân sản xuất giỏi…”, anh Huỳnh Thiện Hữu - Phó chủ tịch xã An Minh Bắc (huyện An Minh), nơi có 13.291 ha đất tự nhiên – 10.615 nhân khẩu, nói rành rọt như vậy.

Quan trọng nhất, tâm thức, cách làm của người Miệt thứ bây giờ đã đổi khác: không còn lệ thuộc thiên nhiên mà đã làm chủ thiên nhiên; không những biết “tích cốc phòng cơ” mà hơn nữa, đã năng động tính toán, nắm bắt cơ hội để phát triển cơ ngơi của mình”, anh Năm Hưởng khẳng định.

Tại kinh thứ 11, thị tứ của huyện An Minh giáp ranh Cà Mau “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, chúng tôi qua đêm trong phòng máy lạnh. 60 năm kiên cường trong khói lửa cuộc chiến và vươn lên xây dựng, phát triển ở vùng đất này tạo niềm tin cho chúng ta vào tương lai Miệt thứ. 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục