Ai Cập nâng cấp hệ thống bảo tàng

Ai Cập vừa khởi công dự án cải tạo Bảo tàng Ai Cập (Egyptian Museum), hứa hẹn sẽ bảo tồn và nâng cao khả năng lưu trữ. 
Một góc Bảo tàng Ai Cập
Một góc Bảo tàng Ai Cập

Nằm ở trung tâm của Cairo trên Quảng trường Tahrir, Bảo tàng Ai Cập từ lâu đã là ngôi nhà quan trọng nhất với bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của đất nước này. Đối với các nhà Ai Cập học, Bảo tàng Ai Cập là “mẹ” của các bảo tàng Ai Cập khác.

Việc tái cấu trúc của Bảo tàng Ai Cập sẽ bao gồm việc tái thiết kế một số phòng trưng bày gần lối vào và di dời khu Lăng mộ Hoàng gia Tanis tới nơi rộng hơn. Dự án cải tạo Bảo tàng Ai Cập được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ 3,1 triệu EUR và được nhóm gồm 5 bảo tàng châu Âu, trong đó có Bảo tàng Anh và Bảo tàng Louvre (Pháp) bảo trợ kỹ thuật.

Các quan chức Ai Cập hy vọng một khi hoàn tất, Bảo tàng Ai Cập có thể được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới. Với hơn 150.000 đồ vật, việc quản lý và trưng bày các hiện vật tại Bảo tàng Ai Cập khiến một số du khách ngạc nhiên. Vào năm 2014, các nhân viên đã làm hỏng mặt nạ vàng của Vua Tutankhamun bằng cách dán lại bộ râu.

Bảo tàng Lớn Ai Cập (Grand Egyptian Museum) được xây dựng hoàn toàn mới cũng đang chuẩn bị khánh thành vào năm 2020 bên cạnh các kim tự tháp ở Giza. Sự hình thành bảo tàng này là một phần của tầm nhìn rộng hơn của Chính phủ Ai Cập nhằm thúc đẩy du lịch văn hóa đến cao nguyên Giza. Khi đó Kim tự tháp và Bảo tàng Lớn Ai Cập được liên kết và bổ sung cho nhau.

Một yếu tố quan trọng trong sự phát triển này là sân bay quốc tế mới Sphinx ở phía Tây Cairo, đã cho thử nghiệm các chuyến bay đầu tiên vào tháng 10-2018. Vào thời điểm khai trương hoàn toàn bảo tàng, sân bay sẽ hoạt động nhằm hút thêm du khách.

Tin cùng chuyên mục