6 kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tại phiên họp của UBTVQH sáng 17-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, trong đó phản ánh về 17 vấn đề thuộc một số lĩnh vực mà cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời có 6 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền các cấp.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận 10 bộ, ngành có báo cáo và trả lời việc thực hiện về các kiến nghị của cử tri, nhân dân và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Về cơ bản, các bộ, ngành đã báo cáo đầy đủ việc giải quyết đối với những vấn đề cử tri và nhân dân đã kiến nghị tại kỳ họp thứ 5, đồng thời đưa ra lộ trình và giải pháp tiếp tục giải quyết trong thời gian tới. Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn các bộ, ngành báo cáo có trọng tâm, cụ thể hơn nữa và có giải pháp giải quyết triệt để đối với những kiến nghị này”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

6 kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ảnh 1 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn báo cáo tại phiên họp UBTVQH , ngày 17-10-2018. Ảnh: QUOCHOI.VN
Tại kỳ họp tới đây của Quốc hội, trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu 6 kiến nghị sau:

Thứ nhất, đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; kịp thời phản bác, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, triển khai thực chất, hiệu quả hơn, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ kịp thời các ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã kiểu mới, tăng năng lực cạnh tranh của các đô thị, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát, sửa đổi các chính sách, quy định, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT và chính quyền các địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành chương trình sách giáo khoa mới đảm bảo đầy đủ, chất lượng, đồng bộ; chỉ đạo Bộ Nội vụ và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, mất cân đối giáo viên; chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quy hoạch và xây dựng các cơ sở giáo dục khi triển khai xây dựng các dự án khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các tỉnh, thành phố lớn.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đến chất lượng xây dựng luật, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật. Đề nghị Bộ Tư pháp chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, theo dõi thi hành pháp luật, gắn với công tác kiểm tra, xử lý văn bản; thực hiện đánh giá việc thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thứ sáu, đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đề cao trách nhiệm trong sắp xếp bộ máy gắn với tinh giản biên chế đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực thi nhiệm vụ, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tạo niềm tin cho nhân dân.

Tin cùng chuyên mục