500 lính đảo Trường Sa về Phú Yên để tưởng niệm 64 liệt sỹ Gạc Ma

Hơn năm trăm cựu binh Gạc Ma – Trường Sa từ TP HCM đến Quảng Nam đã trở về Phú Yên để gặp mặt, tưởng niệm 64 liệt sỹ đã hy sinh tại đảo đá ngầm Gạc Ma (Quần đảo Hoàng Sa), ngày 14-3-1988.

Chiều tối ngày 14-3, tại trụ sở UBND phường Phú Lâm (tỉnh Phú Yên), Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ gặp mặt hơn 500 cựu binh Trường Sa, nhân kỷ niệm 31 năm ngày 64 liệt sĩ Gạc Ma hy sinh giữa biển để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Các cựu binh Gạc Ma - Trường Sa cùng chụp ảnh lưu niệm tại lễ gặp mặt.

Đây là lần thứ 12 liên tiếp, hoạt động gặp gỡ, tưởng niệm này diễn ra tại Phú Yên.

Hơn 500 cựu chiến binh Trường Sa cùng với gia đình của họ đã về Phú Yên để về gặp mặt truyền thống, tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Buổi lễ còn có con gái, cháu ngoại của liệt sĩ Trần Văn Phương- người đã quấn cờ tổ quốc vào người trong lúc giằng co với lính Trung Quốc, quyết tử bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma (quần đảo Hoàng Sa) vào ngày 14-3-1988.

Chị Trần Thị Thủy (con gái của liệt sỹ Trần Văn Phương) cho biết, năm nào chị cũng trở về Phú Yên để dự lễ tưởng niệm. Lần này, chị mang theo con gái mình (cháu ngoại liệt sỹ Trần Văn Phương) từ Khánh Hòa về đến Phú Yên vào lúc 12 giờ.

Con gái và cháu ngoại Trần Văn Phương- người đã quấn cờ tổ quốc vào người trong lúc giằng co với lính Trung Quốc.

“Khi ba tôi hy sinh ông chưa biết là mẹ tôi có mang tôi. Tôi cũng chưa biết mặt ba, chỉ mới nghe qua lời kể của mẹ và đồng đội của ba. Hôm nay về Phú Yên được nghe các bác, các chú kể chuyện về những ngày chiến đấu tại Trường Sa, về sự hy sinh của cha mình, tôi rất xúc động. Trong tôi mỗi lúc lại dâng trào một cảm xúc vô bờ không thể nói nên lời. Ước gì ba tôi vẫn còn sống đến hôm nay!”, chị Thủy xúc động nói.

Cũng theo chị Thủy, cuối tháng Giêng rồi, gia đình đã tổ chức ngày giỗ vọng (tính theo âm lịch) cho liệt sỹ Trần Văn Phương.

Đồng đội ngày gặp lại
Các cựu chiến binh và gia đình chụp ảnh kỷ niệm gặp gỡ.

Bà Đỗ Thị Hà (54 tuổi, vợ của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh) xúc động: “Tôi đến Phú Yên để dự lễ tưởng niệm lần đầu tiên. Thấy đồng đội của chồng tôi hội về đông đủ nhưng cảm giác vẫn ngậm ngùi lắm!... Chỉ khi nghĩ đến việc anh ấy đã hy sinh vì đất nước thì tôi mới cảm thấy ấm lòng được thôi.”.

Ông Phạm Văn Nam (Phú Yên), một người lính ra bảo vệ đảo Trường Sa Lớn từ năm 1985, chia sẻ: “Nhiều đồng đội tóc đã bạc, đã khác đi nhiều sau nhiều năm không gặp lại. Là lĩnh thì quyết tử cho tổ quốc, nhưng trở về thời bình thì ai nấy đều lo công việc của mình. Mỗi người một việc. Bây giờ có cơ hội gặp nhau đây thì mới ôn lại được chuyện xưa, xúc động vô bờ bến…”

Đồng đội vui mừng ngày gặp lại.

Đến 17 giờ chiều cùng ngày, lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ tại Gạc Ma mới chính thức được tổ chức.

Ông Huỳnh Văn Trông, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên cho biết: Thông qua hoạt động này, Ban Tổ chức nhắn nhủ thế hệ trẻ hãy viết tiếp những trang sử hào hùng mà cha ông ta đã đánh đổi bằng máu xương để có được. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì đều đặn hoạt động này thường niên…
Tưởng niệm 64 liệt sỹ đã hy sinh tại Gạc Ma 14-3-1988.
Trao tặng huy hiệu “Chiến sỹ Trường Sa” cho 22 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu và bảo vệ Quần đảo Trường Sa từ năm 1982 đến 1988.

Dịp này, Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho thân nhân 4 liệt sỹ hy sinh tại sự kiện Gạc Ma; trao hơn 20 suất quà tặng gia đình bộ đội Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Hải Quân trao tặng huy hiệu “Chiến sỹ Trường Sa” cũng đã trao tặng huy hiệu “Chiến sỹ Trường Sa” cho 22 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu và bảo vệ Quần đảo Trường Sa từ năm 1982 đến 1988.

Tin cùng chuyên mục