40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 1: Hiên ngang Pò Hèn

LTS: Lịch sử dân tộc mãi khắc ghi những ngày tháng oanh liệt cách đây 40 năm (17-2-1979 – 17-2-2019), khi quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu trước cuộc tấn công xâm lược của quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Những ngày đầu năm mới, nhóm phóng viên Báo SGGP đã trở lại nhiều địa danh lịch sử trên tuyến biên giới phía Bắc để tìm lại những dấu tích và gặp gỡ các nhân chứng trong cuộc chiến tranh chính nghĩa của quân dân ta bảo vệ biên cương, lãnh thổ, đồng thời ghi nhận sự đổi thay, vươn lên phát triển mạnh mẽ của những vùng đất thiêng liêng của dân tộc sau cuộc chiến vệ quốc khốc liệt. 

Sáng sớm 17-2-1979, quân Trung Quốc đã mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Trung Quốc đã dùng nhiều loại vũ khí hạng nặng bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn biên phòng 209 (Đồn biên phòng Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái) và các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn cùng nhiều khu dân cư dọc tuyến biên giới.

Mặc dù hỏa lực và quân của địch rất mạnh nhưng với quyết tâm giữ đồn, bảo vệ biên cương, đất đai Tổ quốc, gần 60 chiến sĩ của Đồn biên phòng Pò Hèn cùng quân dân địa phương đã kiên cường, anh dũng chiến đấu tới những viên đạn và con người cuối cùng!

Kiên quyết giữ đồn, bảo vệ biên cương

Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn những ngày cuối tháng 1-2019 như một đại công trường, cán bộ, chiến sĩ của đồn cùng các công nhân đang nỗ lực gấp rút thi công, chỉnh trang tu sửa toàn bộ khu tưởng niệm để kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu biên giới phía Bắc và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng.

Lặng lẽ thắp nén nhang thơm tại 2 bia đá khắc tên những người đồng đội, công nhân, thanh niên xung phong đã ngã xuống cách đây tròn 40 năm, ông Hoàng Như Lý (67 tuổi) - người trinh sát của Đồn Pò Hèn năm xưa không giấu nổi những giọt nước mắt, nghẹn ngào khi nhắc tới trận chiến đấu ác liệt diễn ra vào sáng 17-2-1979 để bảo vệ Đồn 209.

40 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau mất mát và sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn chưa thể nguôi ngoai trong trái tim người trinh sát năm xưa ấy. Chờ cho tuần hương cháy hết, ông Lý dẫn chúng tôi vòng ra phía sau khu đài tưởng niệm. Sau khi vượt qua một con suối chảy xiết và vài con dốc trơn trượt giữa cơn mưa rừng rét thấu da thịt của cái lạnh miền biên ải, chúng tôi tới bên một tấm bia đá đặt giữa rừng cây ùm tùm, trên tấm bia đá đó có khắc tên liệt sĩ, Thượng úy Phạm Xuân Tảo cùng với tên 2 liệt sĩ nữa.

Châm điếu thuốc và run run thắp bó nhang bị ướt vì mưa ẩm trước tấm bia đá, người cựu chiến binh già Hoàng Như Lý trầm ngâm nhớ lại: Cách đây 40 năm, nơi đây chính là cao điểm Đồi Quế và tấm bia đá này là nơi bác Tảo (Thượng úy Phạm Xuân Tảo, chính trị viên của Đồn 209, anh cùng nhiều chiến sĩ của đồn đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu sáng 17-2-1979 với quân xâm lược. Thượng úy Phạm Xuân Tảo quê gốc Đông Hưng, Thái Bình, trước khi được điều động về Đồn 209 là cán bộ chỉ huy của một đồn biên phòng ở biên giới Tây Ninh. Sau năm 1975, khi đất nước được thống nhất, Thượng úy Tảo được cấp trên điều động ra công tác ở Ban chỉ huy Công an vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh). Tới đầu năm 1979, trước những biến động bất thường về tình hình biên giới phía Bắc, chiều 15-2-1979, Thượng úy Tảo được điều động lên Đồn 209 làm chính trị viên.

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới phía Bắc - Bài 1: Hiên ngang Pò Hèn ảnh 1 Ông Hoàng Như Lý (thứ ba từ phải sang) và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn trò chuyện bên Tượng đài kỷ niệm Pò Hèn
Ngay khi nhận công tác ở Đồn 209, Thượng úy Tảo cùng với đồn phó quân sự Đỗ Sĩ Họa và tôi ngay lập tức đi kiểm tra các chốt điểm cao của Đồn 209 và hệ thống công sự để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trước mọi tình huống có thể xảy ra. Tối 16-2, sau khi đi kiểm tra về, bác Tảo cùng với một số anh em cán bộ chỉ huy trong đồn đã có buổi trò chuyện rất ấm cúng và thể hiện sự tự tin sẵn sàng đối phó với chiến thuật của quân địch, vì bác Tảo là người có kinh nghiệm trận mạc, từng đụng độ với kẻ thù bên kia biên giới.

Vẫn biết rằng địch sẽ tấn công nhưng ông Lý cũng như cán bộ, chiến sĩ của Đồn 209 cũng không thể ngờ, chỉ vài giờ sau, khoảng 5 giờ sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc đồng loạt nổ súng xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc. Trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh từ Hải Hòa, Móng Cái đến Thánh Phún, Pò Hèn, địch dùng pháo hạng nặng và nhiều loại hỏa lực bắn dữ dội vào các đồn biên phòng 209, 210, 211, 212 và các đội công nhân lâm nghiệp, khu dân cư dọc tuyến biên giới. Sau 30 phút tập kích bất ngờ, địch sử dụng lực lượng gồm 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn, chia làm 3 hướng tấn công sang Pò Hèn. 

Mặc dù hỏa lực tấn công của địch rất mạnh, quân địch tràn sang đông như kiến nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 lúc đó không hề nao núng mà vẫn kiên quyết đánh trả để giữ đồn, giữ đất đai biên cương.

Nhớ lại những giờ khắc ác liệt đó, ông Lý nói: “Sau hồi đạn pháo của địch tập kết dữ dội, tới hơn 6 giờ sáng 17-2-1979, chúng xua quân tràn sang. Lúc đó, đứng ở trong đồn nhìn xung quanh đâu đâu cũng thấy địch, nhưng chúng tôi kiên quyết không rút mà vẫn bình tĩnh nổ súng bắn trả. Lúc đó, bác Tảo đã bị thương nhưng vẫn hét lớn: “Quyết giữ lấy đồn” và lệnh cho một tiểu đội trinh sát vòng ra sau đồn, ra khu vực Đồi Quế để hỗ trợ anh em đánh chiếm lại cao điểm này...”.

Trong lúc bom đạn ác liệt nhất, nhận mệnh lệnh của chỉ huy, ông Lý cùng chính trị viên Phạm Xuân Tảo, đồn phó Đỗ Sĩ Họa và anh em chiến sĩ trong đồn chỉ biết đánh và đánh để giữ đồn, giữ đất mà không cần suy nghĩ gì tới tính mạng của bản thân. Cho đến lúc hy sinh, đồn phó Đỗ Sĩ Họa và chính trị viên Phạm Xuân Tảo vẫn không rời trận địa. “Sau hồi đạn pháo, tôi ngất đi và lúc tỉnh dậy vào khoảng trưa cùng ngày thì thấy xung quanh mình toàn quân địch, tiếng súng cũng đã ngưng. Lúc đó tôi mới biết đồn đã bị chiếm, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đồn 209 đã hy sinh...”, ông Lý chia sẻ. Sau khi bị thương và rơi vào tay địch, tới ngày 22-6-1979, ông Lý mới được Trung Quốc trao trả qua cửa khẩu ở Lạng Sơn.

Anh dũng hy sinh

Trong những trang lịch sử vẻ vang của Đồn biên phòng Pò Hèn ghi lại: “Vào lúc 4 giờ 43 phút ngày 17-2-1979, địch dùng các loại hỏa lực như súng cối 120 ly, 82 ly… bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đấu của đồn. Sau khoảng 30 phút bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Trong khi lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 50 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên địch nhưng do không cân sức dẫn đến đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng...”.

Trên nền doanh trại cũ của Đồn 209, một đài tưởng niệm uy nghi đã được dựng lên giữa miền biên ải. Hai bên đài tưởng niệm là 2 tấm bia lớn khắc tên tuổi của 86 cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 cùng các công nhân lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc, gìn giữ mảnh đất biên ải Pò Hèn. Trong 2 tấm bia đá có tên của 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 đã hy sinh vào sáng 17-2-1979.

Trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang - Trung úy Đỗ Sĩ Họa hy sinh khi mới 32 tuổi, còn Thượng úy Phạm Xuân Tảo hy sinh lúc ở tuổi 43. Đặc biệt, trong trận chiến đấu khốc liệt diễn ra sáng 17-2 cách đây 40 năm tại Đồn Pò Hèn năm xưa còn có một người nữ liệt sĩ - chị là Hoàng Thị Hồng Chiêm (25 tuổi, quê Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh).

Hôm ấy, sau khi thu dọn cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn để rút về tuyến sau nhưng chị Chiêm đã tình nguyện ở lại Đồn 209 sát cánh cùng người yêu chống trả lại các đợt tấn công của quân địch và cuối cùng chị Chiêm và người yêu là chiến sĩ Bùi Văn Lượng (26 tuổi, Yên Hưng, Quảng Ninh) đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Pò Hèn!

Thiếu tá Mai Văn Thể, chính trị viên Đồn Pò Hèn, sau khi cùng với chúng tôi và cựu chiến binh Hoàng Như Lý dâng hương tại Đài tưởng niệm Pò Hèn đã không giấu nổi sự tự hào và xúc động nói: Trận chiến đấu lịch sử cách đây 40 năm đã ghi dấu sự chiến đấu anh dũng ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn, cán bộ lâm trường và nhân dân xã Hải Sơn để bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc. Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn xin nguyện viết tiếp những trang sử hào hùng của cha anh đi trước, quyết tâm đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, hòa bình của dân tộc.
40 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Đồn biên phòng Pò Hèn hôm nay được xây dựng khang trang, chính quy hiện đại cách Khu đài tưởng niệm Pò Hèn khoảng 1km. Sau 40 năm trên những mảnh đất ngày nào là bom đạn, chết chóc giờ đã nảy nở cuộc sống mới bình yên nơi biên cương. Thôn Pò Hèn đã trở thành một vùng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Hải Sơn.

Khép lại quá khứ mở ra tương lai với việc khai thông lối mở Pò Hèn (Việt Nam) và Thán Sản (Trung Quốc) đã góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa biên mậu giữa hai 2 nước.

Tin cùng chuyên mục