4 phương án xử lý tài sản bất minh

Thanh tra Chính phủ phân tích toàn diện 4 phương án làm cơ sở xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để UBTVQH có thêm cơ sở cho ý kiến về dự thảo Luật này tại phiên họp thứ 23.

Đánh giá về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý, Thanh tra Chính phủ đã nêu và phân tích toàn diện 4 phương án làm cơ sở xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thêm cơ sở cho ý kiến về dự thảo Luật này tại phiên họp thứ 23.

Có những cách xử lý nào?

Ở phương án 1, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có đủ bằng chứng kết luận về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm này có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến Cục Thuế có liên quan yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, có phương án bổ sung quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng bổ sung thu nhập chịu thuế trong trường hợp trên và mức thuế suất áp dụng là 45%.

Phương án 2 là xử phạt vi phạm hành chính (với hình thức phạt tiền) đối với hành vi kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý với mức phạt tương đương 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm (coi đây là hành vi vi phạm hành chính của người kê khai).

Phương án 3, tài sản, thu nhập chênh lệch do kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần chênh lệch hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm thì phải thu hồi ngay dựa trên Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (biện pháp hành chính); hoặc sửa đổi Bộ luật Hình sự để quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất minh mà không giải trình được một cách hợp lý để trên cơ sở đó tịch thu theo bản án hình sự của Tòa án có thẩm quyền (biện pháp hình sự).

Phương án 4 là giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành và không quy định về việc xử lý đối với tài sản, thu nhập chênh lệch do kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó.

Lý giải phương án chọn

Đề xuất lựa chọn phương án 1, Thanh tra Chính phủ cho rằng phương án này thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước đối với các khoản thu nhập, tài sản không có nguồn gốc rõ ràng.

Áp dụng tương tự pháp luật về thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì mức thuế áp dụng để thu có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh và coi như là một mức thuế suất “đặc biệt” thuộc biểu thuế toàn phần (Điều 23 Luật Thuế thu nhập cá nhân).

Mức thuế suất này cũng tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần, dao động từ 5% đến 35% quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân) và tiền phạt 1 đến 3 lần (được lấy mức trung bình là 2 lần) số tiền thuế trốn theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.

Đồng thời, cùng với việc quy định như trên, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội để tránh cách hiểu rằng phương án trên vô hình trung đã hợp pháp hóa 55% số tiền còn lại, hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Việc thu thuế đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý chỉ được áp dụng sau khi đã được xác minh, kết luận. Việc quy định theo phương án này là phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự vì tài sản, thu nhập đó đã không được người kê khai giải trình có nguồn gốc hợp pháp hoặc là của cải để dành theo Điều 32 Hiến pháp năm 2013 và không thuộc các trường hợp xác lập quyền sở hữu theo Điều 221 Bộ luật Dân sự.

Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của LHQ (UNODC) trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác đã khẳng định: “Một công chức hoặc một người quản lý của doanh nghiệp nhà nước nhận hối lộ, tham ô công quỹ hoặc chiếm đoạt tài sản công có thể phải chịu trách nhiệm nộp thuế đối với khoản thu nhập bất minh này. Trong những trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền không buộc phải chứng minh về nguồn gốc bất minh của tài sản mà chỉ cần chứng minh người đó đã có một khoản thu nhập hiện hữu không được công khai. Cơ quan có thẩm quyền chỉ đơn giản là đi chứng minh rằng người này đã tạo ra hoặc có được một khoản thu nhập chịu thuế và rằng họ có trách nhiệm nộp một khoản thuế phù hợp, bao gồm cả tiền lãi và tiền phạt nếu không nộp đúng hạn”.
Phương án thu thuế đối với các khoản thu nhập, tài sản bất minh, trong đó có thu nhập, tài sản từ những hành vi có dấu hiệu tham nhũng (kể cả chưa chứng minh được có mối quan hệ trực tiếp hoặc chưa chứng minh được đó là hành vi tham nhũng) đã được thực hiện ở một số quốc gia như Mỹ, Australia, New Zealand và một số quốc gia khác, dựa trên quan điểm cho rằng nếu không đánh thuế đối với những khoản thu này thì cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích các hành vi làm giàu bất minh và trốn thuế.

Tin cùng chuyên mục