20 năm sau cơn bão kinh hoàng Linda

Đã tròn 20 năm kể từ ngày cơn bão số 5 (còn gọi là Linda) đổ bộ vào tỉnh Cà Mau, gây ra hậu quả tang thương và khốc liệt. Trải qua 20 năm, vùng đất này đã có nhiều thay đổi và hồi sinh, những cư dân ven biển vẫn ra khơi, nối nghiệp cha ông…

 

Cửa biển Khánh Hội, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão Linda, đã hồi sinh
Cửa biển Khánh Hội, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão Linda, đã hồi sinh
Ký ức kinh hoàng

Cơn bão số 5  vào ngày 2-11-1997, đổ bộ vào tỉnh Cà Mau đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác; tổng giá trị tài sản thiệt hại trên 2.700 tỷ đồng…

Sau 20 năm, chúng tôi trở lại cửa biển Khánh Hội - một trong những nơi thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Cà Mau. Sống trong căn nhà nhỏ cặp bên cửa biển Khánh Hội, bà Phạm Ngọc Ánh (73 tuổi, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh), một trong những hộ chịu nhiều thiệt hại trong cơn bão kể lại ký ức hãi hùng: “Cơn bão lấy đi của gia đình tôi mọi thứ. 3 người con ruột, 1 người con nuôi, 5 người cháu tử nạn ngoài biển. Cơn bão quét sạch nhà cửa, nhấn chìm chiếc tàu cá duy nhất của gia đình”. Bà Ánh nghẹn ngào: “Lúc bão mới ập đến, tôi rất lo lắng cho các con khi đang ở ngoài biển. Những chiếc tàu đầu tiên vào được bờ cho biết, ngoài biển chết hết rồi, nhưng tôi vẫn hy vọng các con còn sống sót, chuyện ấy đã không xảy ra… Mỗi năm, đến ngày giỗ tụi nó, vợ chồng già lại lủi thủi thắp nhang cho các con xấu số. Dù đã 20 năm nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu. Giá như không có cơn bão xảy ra, gia đình tôi đâu phải tan tác, hai chồng vợ đâu phải sống trong cô đơn, hẩm hiu tuổi già”.

Sau cơn bão Linda, ở xã Khánh Hội xuất hiện “xóm không chồng”, vì có nhiều người chồng chết trong cơn bão. Tại xóm Kênh Mới (ấp 4, xã Khánh Hội) - một trong những “xóm không chồng”, bà Trần Thị Lăng (một trong những góa phụ, 57 tuổi, ngụ ấp 4, xã Khánh Hội) kể: “Khi bão xảy ra, chồng tôi (ông Trần Văn Oanh) đi trên tàu cùng 6 ngư phủ. Con trai đầu là Trần Văn Huấn (khi ấy mới 16 tuổi) làm tài công trên chiếc tàu thứ hai. Bão nhấn chìm cả 2 tàu. Con trai tôi may mắn được một tàu vớt, sau một tuần trôi dạt trên biển. Còn ông ấy mất tích đến ngày nay không tìm được xác. Những ngày sau bão, tôi hay ra cửa biển trông mong ông ấy trở về... 20 năm hy vọng tan theo sóng biển”.

Những người trực tiếp đối mặt với cơn bão Linda coi đó là giây phút kinh hoàng nhất trong đời đi biển. Ông Lê Tấn Cui (46 tuổi, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) ngậm ngùi: “Khi tàu tôi đang trên biển cách Hòn Khoai chừng 20 hải lý, biển rất êm dù nghe đài thông báo bão, tôi nghĩ bão không tới. Thế rồi, không ngờ sau đó bầu trời vần vũ, mây đen xám xịt, linh tính bão lớn nên tôi lái tàu nhanh vào cửa Rạch Gốc. Tàu tôi chạy dẫn đầu, theo sau là 8 chiếc khác, trên đường vào bờ, mọi người đều đói khát, vật vã, sinh tử mong manh. Cuối cùng, tàu của tôi và 6 chiếc khác vào được bờ, còn lại 2 chiếc bị chìm, nhiều bạn tàu không cứu được…”.

Trong giây phút sinh tử, cũng có những người sống sót như một phép màu. Ông Nguyễn Văn Móc (xã Khánh Hòa, huyện U Minh) là một trong số đó. “Tàu tôi bị sóng đánh phá nước chìm, 8 anh em lọt xuống biển, trong đêm tối có người vớ được phao, có người không. Tôi may mắn ôm được can nhựa đựng nước loại 20 lít, ôm nó chống chọi với những cơn sóng dữ. Để không bị tuột mất can, tôi cởi áo quần xoắn lại như sợi dây, một đầu buộc vào cổ tay, đầu kia buộc vào tay cầm can, trôi lênh đênh trên biển. Kinh hãi nhất là khi cá tưởng “mồi” nên rỉa khiến cả mình bị lở loét. Sau 4 đêm 3 ngày, tôi được tàu cứu hộ vớt. Tưởng đâu không gặp lại người thân”. 

Hồi sinh sau bão

Sau bão, tình người khắp nơi đổ về những làng quê ven biển chia sẻ khó khăn. Chính sự quan tâm, động viên đã giúp nhiều góa phụ vượt qua nỗi đau, tiếp bước trong cuộc sống. 

Nhắc đến chuyện này, bà Lăng xúc động: “Khi chồng mất, trụ cột trong gia đình không còn, mình tôi đùm bọc 5 đứa con. Nhờ sự giúp đỡ của xã hội, các cấp chính quyền, sự tương trợ của bà con láng giềng, tôi đè nén nỗi đau vươn lên, thay chồng trở thành trụ cột gia đình để lo cho tương lai các con”.

Bão Linda dù thiệt hại nặng nề nhưng hậu quả dần được khắc phục, làng quê cũng đã hồi sinh. Tại các cửa biển, hôm nay tàu ghe tấp nập ra vào, ngư dân vẫn bám biển. Những góa phụ cũng đã có cuộc sống mới, những thế hệ mới lại tiếp nối nghề của cha ông. 

Bài học lớn hậu bão Linda là giờ đây ra khơi đánh bắt, các tàu cá đã trang bị nhiều phương tiện an toàn hơn, tàu cũng nâng cấp công suất lớn hơn, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại hơn; vì vậy, mỗi khi có bão ngư dân tiếp nhận kịp thời và tìm nơi tránh trú an toàn. Ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Trước bão Linda, ngư dân tỉnh Cà Mau ít ai tin rằng, vùng biển bao đời lặng sóng này lại có thể xảy ra bão lớn. Chính vì vậy, người dân chủ quan. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới hậu quả tang thương. Còn bây giờ, các phương tiện khi ra khơi, ngoài việc đầu tư tàu công suất lớn, còn trang bị đầy đủ phao cứu sinh, hệ thống định vị, cùng thiết bị vô tuyến, viễn thông để có thể tiếp nhận thông tin thời tiết ở bất cứ vị trí nào trên biển”. 
Ông Trần Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh sẽ tổ chức tưởng niệm 20 năm đồng bào bị nạn trong cơn bão Linda tại xã Khánh Hội, để nhắc nhở, cảnh báo người dân về thảm họa thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai 

Tin cùng chuyên mục