16 năm mỏi mòn đi khiếu nại

Tháng 7-2002, 13 hộ dân đang an cư tại khu phố 5 (phường Bình Trưng Tây, quận 2, TPHCM) đột ngột nhận được quyết định của UBND quận 2 về việc thu hồi đất. Suốt 16 năm qua, 13 hộ này đã phải gian nan khiếu nại, nhưng sự việc vẫn dùng dằng.
Khu nhà 13 căn của các cựu chiến binh tại đường Nguyễn Tư Nghiêm
Khu nhà 13 căn của các cựu chiến binh tại đường Nguyễn Tư Nghiêm
Nỗi niềm của những người cựu chiến binh 
Ông Đặng Văn Loan (69 tuổi, nhà số 19/4 đường Nguyễn Tư Nghiêm, phường Bình Trưng Tây) lần giở từng tờ giấy đã nhàu nát trong tập hồ sơ với đủ thứ giấy tờ liên quan đến hành trình chờ sổ đỏ cho nhà đất ông đang ở.
Ông Loan kể: “Năm 1968 tôi vào bộ đội, được đưa vào Nam chiến đấu tại địa bàn Thủ Đức, là lính đặc công đơn vị K10, lăn lộn ở Vùng bưng 6 xã. Sau năm 1975 tôi là thương binh 4/4, chuyển ngành sang công an, công tác cho đến ngày nghỉ hưu”.
Người hàng xóm của ông Loan là ông Nguyễn Hoàng Dũng (70 tuổi, nhà số 19/2 đường Nguyễn Tư Nghiêm), cũng là đồng đội thời kháng chiến và cũng là người đồng cảnh ngộ không thể an cư. Ông Dũng quê ở Bến Tre, vào bộ đội và chiến đấu ở Vùng bưng 6 xã, gắn bó với mảnh đất Thủ Đức suốt từ thời trai trẻ đến khi nghỉ hưu. Ông Dũng cũng là thương binh 4/4.
Cao tuổi nhất trong số các cựu chiến binh đã không thể an cư và mỏi mòn đi khiếu nại suốt 16 năm qua là ông Dương Xuân Thái (77 tuổi, nhà số 21 đường Nguyễn Tư Nghiêm).
Ông Thái kể: “Mấy anh em ở đây, đa số là lính của tôi hồi trước. Hồi ấy tôi là tham mưu trưởng cánh Đông Bắc khu Sài Gòn - Gia Định. Sau 1975, anh em tụi tôi chuyển ngành sang công an. Đến năm 1984 tôi nghỉ hưu. Sau 1975, đâu ai màng việc được cấp đất, cứ nay ở đây, mai ở kia tạm bợ, cho đến khi lập gia đình mới giật mình vì chưa có mảnh đất cắm dùi. Thế nên 11 anh em đồng đội đã làm đơn xin huyện Thủ Đức hỗ trợ an cư. Năm 1996, xét 11 cựu chiến binh chúng tôi đã có những năm tháng chiến đấu, cống hiến cho địa phương, chính quyền xã Bình Trưng lúc ấy đã dang tay đón, sắp xếp đưa về khu đất (vốn là đất nghĩa trang) để cất nhà. Thêm 2 cán bộ của phường mới nghỉ hưu được ghép chung vào, thành dãy nhà 13 căn. Hồi mới về đây, đường đất, cỏ mọc um tùm, không điện không nước, nhưng cất nhà lên, có chỗ ở, ai cũng mừng. Nhưng niềm vui không lâu…”. 
Năm 1997 huyện Thủ Đức tách thành 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Năm 2002, UBND quận 2 ra quyết định thu hồi đất đã cấp cho 13 hộ trên với lý do đất này do Nhà nước quản lý và việc cấp đất trước đây là sai quy định, không đúng thẩm quyền, nên việc các hộ cất nhà là hành vi chiếm dụng đất công, vi phạm Luật Đất đai. 13 hộ đồng loạt viết đơn khiếu nại, đính kèm các giấy tờ xác nhận việc cấp đất là thực hiện theo chủ trương của lãnh đạo Huyện ủy Thủ Đức trước đây.
Vẫn còn dùng dằng  
Tháng 9-2002, tại Thông báo số 114, Quận ủy quận 2 nêu rõ chỉ đạo của Quận ủy về vụ việc này. Theo đó, đối với những hộ cán bộ, nhân viên được giao đất, thực sự có nhu cầu bức xúc về nhà ở, vị trí đất phù hợp với quy hoạch, thì cho hợp thức hóa nhà ở, đất ở. Đối với diện lấn chiếm không có quy hoạch xây dựng công trình công cộng, thì có thể hợp thức hóa, nhưng thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường. 
13 hộ này tiếp tục khiếu nại, đến ngày 27-1-2005, UBND TPHCM ra Thông báo số 628 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Đua ký, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và quận 2 “xem xét, giải quyết cấp giấy chứng nhận nhà cho 13 hộ theo quy định hiện hành” và báo cáo lãnh đạo thành phố trong vòng 20 ngày. Nhưng rồi việc xem xét, giải quyết cấp giấy chứng nhận nhà lại dùng dằng cả một năm, đến ngày 22-12-2006, căn cứ theo tờ trình của Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín ký tiếp Công văn 9572, yêu cầu quận 2 xác minh, giải quyết khiếu nại theo đúng trình tự, quy định. Sự việc gần như dậm chân tại chỗ. 
Mãi đến ngày 9-3-2011, UBND quận 2 ra Thông báo số 65, truyền đạt ý kiến của lãnh đạo quận về giải quyết khiếu nại của 13 hộ. Theo đó, quận lại tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà, đất, việc kê khai qua các thời kỳ, việc cấp số nhà, và đề nghị các hộ cung cấp các giấy tờ liên quan để báo cáo và đề xuất lãnh đạo quận hướng giải quyết. Các hộ một mặt đáp ứng yêu cầu theo thông báo này, mặt khác tiếp tục khiếu nại.
Sau đó, ngày 14-8-2013, Văn phòng UBND TPHCM đã ra Thông báo 6556, giao UBND quận 2 rà soát, giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 13 hộ cán bộ hưu trí và báo cáo kết quả cho thành phố. Như vậy, lãnh đạo thành phố đã có 3 thông báo yêu cầu quận 2 giải quyết, thế nhưng sự việc vẫn cứ dùng dằng.
Hy vọng lớn nhất của 13 hộ, sau nhiều năm chờ đợi là ngày 23-1-2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản số 407, khẳng định: Sau khi làm việc với quận 2, đã đi đến thống nhất sẽ điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu dân cư Bình Trưng Tây tỷ lệ 1/200 và trình thành phố phê duyệt - đây là cơ sở cho việc cấp sổ đỏ cho 13 hộ này. 
Thế nhưng, như những lần trước, thêm hơn một năm trôi qua, 13 hộ dân vẫn chưa thấy phản hồi gì.

Tin cùng chuyên mục