1 triền núi trên 10 doanh nghiệp hoạt động

Người dân ở thôn Phú Mỹ 2 nhẩm tính: “Riêng dãy núi Sơn Triều ở 2 thôn Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 1 (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cứ bán kính chưa đầy 1km, có đến 5 doanh nghiệp hoạt động, 3 mỏ đá, 1 nhà máy xay, 2 trạm trộn…”. Tại khu vực Phú Sơn (phía Bắc Núi Sơn Triều), chỉ 1 triền núi có đến trên 10 doanh nghiệp đang hoạt động… 

Ông Thiện - người dân ở thôn Phú Sơn (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) lắc đầu ngán ngẩm: “Thời buổi bây giờ làm công nghiệp kiểu kỳ lạ lắm. Nó cứ bát nháo lộn xộn, các doanh nghiệp (DN) chỉ biết chạy theo lợi ích, chứ không quan tâm gì đến môi trường”.

Người dân ở đây đang kêu trời: Ô nhiễm từ khói, bụi, hóa chất; đường sá bị các xe tải, xe ben của DN cày nát; mùa mưa DN lợi dụng suối để xả thải, đất, đá.... Bây giờ suối bị đất, đá vùi lấp, lũ đổi dòng, cứ mưa lớn là nước đổ ập vào khu vực dân cư sinh sống, DN hoạt động, xay xát cả ngày lẫn đêm gây ra tiếng ồn, bom nổ quá lớn làm rung chuyển, khiến nhà cửa của dân bị rạn nứt…

Cũng theo ông Thiện, những ngôi nhà thế hệ người dân 40 năm trước ở Phú Sơn bây giờ một số đã bỏ hoang vì nước lũ tràn ngập. 

Phú Sơn thì vậy, các thôn Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2 cũng đang khốn đốn. “Điểm mặt” những DN khiến dân ca thán như: Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, Công ty CP Vật liệu xây dựng Mỹ Quang, Công ty TNHH Minh Đạt và Công ty TNHH Nhật Minh…

Người dân phản ánh, từ khi các DN bắt đầu hoạt động đến nay, dân phải sống trong ô nhiễm, bụi bặm, tiếng ồn, tiếng nổ mìn phá đá... “Lợi ích thì vào tay các DN, còn người dân chúng tôi thì phải sống trong khói bụi, ô nhiễm. Cả 2 thôn Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2 có đến hàng trăm hộ dân phải chịu cảnh này. Lo lắng nhất là con cái chúng tôi, chúng phải sinh ra lớn lên trong môi trường đầy ô nhiễm, bệnh tật…”, ông Tr.V.T., người dân ở thôn Phú Mỹ 2, bức xúc.

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho hay: “Trước những bức xúc kéo dài của người dân, chúng tôi cũng đã phản ánh các ý kiến lên HĐND và UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết. Tuy vậy, các DN hoạt động tại khu vực Phú Sơn hầu hết đều do tỉnh cấp giấy phép hoạt động, khai thác, nên cấp huyện chỉ kiến nghị thôi. Trước đó, chúng tôi đã có kiến nghị để tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan về kiểm tra, xử lý các DN hoạt động vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng phòng TN-MT huyện Tuy Phước, lại cho rằng: “Chưa nghe, chưa thấy dân phản ánh về ô nhiễm ở dọc núi Sơn Triều, nhưng sẽ cử bộ phận chuyên môn về kiểm tra thực tế”. 

Trước đây, đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định đã tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến đá ở các doanh nghiệp và phát hiện nhiều tồn tại trong khâu xử lý môi trường. Đơn vị đã tham mưu Giám đốc Sở TN-MT đề nghị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục, nhưng đến nay vẫn vậy, việc kiểm tra của đơn vị chức năng chẳng khác nào “nước đổ ao bèo”.

Tin cùng chuyên mục